Ths.Bs. Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc Gia) cho rằng bà bầu không nhất thiết phải uống sữa bầu như nhiều người đang lầm tưởng.
- Chụp ảnh bầu rạng rỡ đầy sức sống, ai ngờ thai kỳ của Khánh Thi cũng lắm nỗi khổ thay!
- Bà bầu ăn ốc có tốt cho sức khỏe của mẹ và bé không?
Nhiều mẹ thường lầm tưởng sữa bầu có tác dụng “thần thánh” giúp con thông minh, khỏe mạnh hơn bình thường vì thế dù “nghén lên, nghén xuống” vẫn cố sống cố chết uống sữa bầu cho bằng được.
Tuy nhiên, theo Ths.Bs. Lê Thị Hải (Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia), việc bà bầu nên uống sữa gì còn tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của từng người. Riêng đối với sữa bầu, các mẹ không nên lạm dụng mà ngược lại phải có sự tìm hiểu kĩ càng trước khi uống.
Tác dụng của sữa cho bà bầu
Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng đối với phụ nữ cao hơn bình thường, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng, mà quan trọng nhất là sắt, axit folic, canxi, kẽm… Bác sĩ Hải cho biết: "Nếu người bình thường 1 ngày chỉ cần 1000mg canxi, thì với bà bầu có thể lên tới 1200mg đến 1500mg. Vậy nên, việc dùng những thực phẩm giàu canxi trong thời điểm mang bầu là rất cần thiết. Mà trong đó, sữa là một trong số các loại thực phẩm chứa nhiều canxi nhất".
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là có phải nhất thiết phải uống sữa bà bầu hay không? - Câu trả lời của bác sĩ Hải là không nhất thiết phải uống.
“Sữa bầu chỉ khác sữa khác là chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn đặc biệt là chứa nhiều sắt, axit folic cao hơn các loai sữa khác, còn hàm lượng canxi thì không nhiều hơn so với bình thường. Vì thế, nếu là những bà mẹ mang bầu mà không ăn được, suy dinh dưỡng, thiếu cân, lên cân chậm hoặc nghén nặng quá, ăn vào là nôn, có nguy cơ cao bị thiếu các vi chất dinh dưỡng thì nên uống sữa cho bà bầu.
Còn những bà mẹ có sức khỏe bình thường, tăng cân tốt, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm thì không cần, vì trong trứng, thịt, gan, tim, bầu dục cũng rất giàu sắt, hay rau xanh giàu axit folic. Thậm chí, những bà mẹ đang bị thừa cân, béo phì, tăng cân nhiều quá không nên uống sữa bà bầu. Vì trong sữa bà bầu năng lượng rất cao làm tăng cân nhanh hơn”, bác sĩ Hải khẳng định.
Trong trường hợp, mẹ sức khỏe tốt không muốn uống sữa bà bầu có thể uống các loại sữa thay thế như: Sữa đậu nành, sữa tươi,...
Như vậy, sữa cho bà bầu loại nào tốt và uống hay không uống còn phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng và sức của mỗi người. Tốt nhất, khi mang bầu các bà mẹ nên đến gặp bác sĩ tư vấn dinh dưỡng để biết thể trạng của mình nên ăn uống như thế nào.
Sữa từ các loại hạt có thực sự tốt với bà bầu?
Hiện nay, có nhiều bà bầu tìm đọc trên mạng và tin rằng sữa từ các loại hạt tốt hơn sữa bầu và có thể dùng thay thế sữa bà bầu. Theo bác sĩ Hải, quan điểm đó cũng không đúng. Sữa hạt tốt hay không còn phải phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của mỗi người và khẩu phần ăn hằng ngày của các mẹ.
Cụ thể, các loại sữa hạt có nguồn gốc từ thực vật, trong khi đó bà mẹ mang thai cần thêm nhiều thức ăn có nguồn gốc động vật vì thực phẩm nguồn gốc động vật giàu các vi chất dinh dưỡng như: Sắt, kẽm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu hơn thức ăn nguồn gốc thực vật. Nếu như bà mẹ ăn được đầy đủ thịt, cá, trứng, tôm,... thì hoàn toàn có thể uống thêm sữa hạt được vì khi đó đạm động vật và đạm thực vật sẽ ở tỉ lệ cân đối.
Thế nhưng, trong trường hợp các bà mẹ nghén, không ăn được thịt, cá, tôm,.. hoặc có nhiều bà mẹ chỉ ngửi thấy mùi đồ tanh là sợ, buồn nôn thì nếu chỉ uống sữa hạt sẽ làm thiếu hụt hẳn chất đạm có nguồn gốc từ động vật dẫn đến thiếu các vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của bà mẹ
Tóm lại, bác sĩ khuyên các mẹ thay vì chỉ chăm chăm uống sữa hãy lên một thực đơn ăn uống, cân bằng đủ 4 nhóm chất: Đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất… không nên thiên về 1 chất nào quá nhiều và ngược lại.