Cà tím là thực phẩm nhiều bà bầu thường phân vân có nên ăn trong suốt thai kỳ hay không. Bài viết sau sẽ giúp chị em làm sáng tỏ thắc mắc này.
- Những kiêng kị chuẩn khoa học mẹ mang bầu 3 tháng cuối nhất định phải biết
- Mẹ bầu mơ sinh ra thú cưng, mơ chồng ngoại tình... có ý nghĩa gì?
Các mẹ bầu vẫn thường lập ra danh sách những món ăn nên và không nên ăn trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, vẫn có một số thực phẩm góp mặt trong cả hai danh sách này, trong đó có cà tím.
Theo tờ Momjunction, cà tím là một trong những loại rau quả phổ biến ở châu Á nói chung và Ấn Độ nói riêng. Đây là thực phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe bà bầu và thai nhi. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng phụ nữ mang thai không nên ăn cà tím để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vậy bà bầu cần ăn cà tím như thế nào để tận dụng được nguồn dinh dưỡng mà vẫn an toàn cho mẹ và bé?
Những ích lợi của cà tím đối với sức khỏe bà bầu
Cà tím là thực phẩm giàu dinh dưỡng bà bầu không thể không bổ sung trong thực đơn ăn uống khi mang thai. Bà bầu ăn cà tím sẽ nhận được nhiều ích lợi như:
Phòng ngừa dị tật thai nhi
Cà tím rất giàu folate, acid folic – những dưỡng chất cực kỳ quan trọng cho quá trình hình thành ống thần kinh thai nhi. Bà bầu ăn cà tím sẽ ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh thai nhi và một số dị tật bẩm sinh khác. Ngoài ra, ăn cà tím trong thai kì còn thúc đẩy sự phát triển của các tế bào hồng cầu, phòng ngừa nguy cơ thiếu máu.
Hỗ trợ sự phát triển của thai nhi
Nguồn vitamin nhóm B, vitamin A, C, E, niacin… dồi dào trong cà tím rất cần thiết cho sự phát triển tối ưu của thai nhi. Bên cạnh đó, các khoáng chất kali, đồng, mangan, sắt… sẽ giúp cơ thể bà bầu duy trì sự cân bằng điện giải, tăng lượng máu và hemogloboin.
Phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cần bổ sung cà tím vào khẩu phần ăn uống. Cà tím sẽ giúp chị em kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả.
Trị táo bón và rối loạn tiêu hóa
Tiêu thụ thực phẩm này khi mang thai sẽ giúp hệ tiêu hóa bà bầu làm việc trơn tru, hỗ trợ quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và trị chứng rối loạn tiêu hóa. Cà tím còn chứa nguồn chất xơ dồi dào thúc đẩy nhu động ruột, trị táo bón hữu hiệu trong thai kỳ.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Cà tím giàu chất chống oxy hóa giúp bà bầu tăng cường khả năng miễn dịch, tránh nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và một số bệnh khác khi mang thai. Hoạt chất nasunin trong vỏ cà sẽ giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể và ngăn ngừa nguy cơ tổn thương tế bào DNA trong thai kỳ.
Giảm cholesterol xấu
Bà bầu ăn cà tím còn giúp cơ thể giảm lượng cholesterol xấu, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, ngăn ngừa đột qụy. Cà tím còn giúp gia tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể mẹ bầu.
Trị tăng huyết áp
Cà tím được xem như phương thuốc tự nhiên trị chứng tăng huyết áp thai kỳ cho bà bầu. Chất bioflavonoid giúp mẹ bầu giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các biến chứng trong thai kỳ.
Tác dụng phụ của cà tím đối với bà bầu
Cà tím tuy tốt cho sức khỏe bà bầu và thai nhi nhưng ăn quá nhiều cũng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Nguy cơ gây sảy thai, sinh non
Thành phần phytohormones trong cà tím có tác dụng trong việc hỗ trợ các chứng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Do đó, nếu bà bầu ăn quá nhiều cà tím có thể dẫn đến tình trạng co thắt tử cung gây sảy thai hoặc sinh non.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Bà bầu ăn cà tím chưa nấu chín có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa, bị ngộ độc, dị ứng, không tốt cho thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu hãy đảm bảo nấu chín món ăn này trước khi thưởng thức.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có khuyến cáo nào khuyên bà bầu nên kiêng cà tím. Nếu ăn cà tím một cách hợp lý và lưu ý nấu chín trước khi ăn, bà bầu vẫn có thể tận dụng những dưỡng chất tuyệt vời từ loại rau quen thuộc này.