Phòng và phát hiện sớm ung thư vú giúp người bệnh có cơ hội khỏi cao. Phẫu thuật sớm giúp bệnh nhân tránh được những bổ trợ phía sau như xạ trị, hoá chất gây nhiều tác dụng phụ.
- Nhận biết dấu hiệu viêm loét dạ dày trong những ngày Tết mà nhiều người thường hay chủ quan
- Đây chính là điều bạn cần lưu ý trước khi đi máy bay về quê dịp Tết để tránh mệt mỏi, khó chịu
Phát hiện ung thư vú từ hiện tượng chảy dịch
Chị Nguyễn Thị Hà – trú tại Lâm Thao, Phú Thọ đau xót khi bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú ở giai đoạn 2. Chị phải phẫu thuật cắt bên vú trái vì khối u đang ở giai đoạn xâm lấn.
Chị Hà đang trong giai đoạn điều trị hoá chất, vuốt tay nhẹ lên đầu cũng khiến những sợi tóc rụng xuống. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, tuy nhiên chị buồn bã chia sẻ: "Khi chải tóc thấy tóc rụng thì mình mới thực sự tiếc nuối".
Chị Hà cho biết, trước đó chị không bao giờ có thói quen khám vú hay tự sờ ngực mình. Khi chị thấy bên ngực trái của mình có dấu hiệu lạ, núm vú tụt vào kèm theo có dịch vàng vàng chị mới đi kiểm tra. Bác sĩ chụp Xquang đã nghi ngờ chị bị ung thư, sau đó chị xin chuyển xuống Hà Nội kiểm tra lại và kết quả chị bị ung thư vú.
Ung thư vú hình thành khi các tế bào phát triển không kiểm soát bên trong các mô. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời các tế bào ung thư có thể lan đến các hạch bạch huyết và các phần khác của cơ thể gồm phổi, xương, gan.
Mỗi năm có khoảng 150 nghìn ca mắc ung thư mới và riêng ung thư vú đã tăng lên từ 17,4 ca/100 nghìn dân, năm 2000 thì đến năm 2010 đã tăng lên 29,9 ca/100 nghìn dân.
Tại Khoa Ngoại vú (Bệnh viện K), ước tính có khoảng 15%- 20% phụ nữ dưới 30 tuổi bị ung thư vú. Một trong những nguy cơ bị ung thư vú là do tiền sử gia đình.
Do đó với những phụ nữ có người thân mang gien BRCA hoặc bản thân bị ung thư vú một bên nên tầm soát sớm để theo dõi, điều trị đúng quy trình chứ không nhất thiết phải cắt bỏ tuyến vú, bởi phương pháp cắt và tạo hình ngực rất tốn kém.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hồng Quang – Trưởng khoa Ngoại vú, bệnh viện K trung ương cho biết, ung thư vú hiện nay là một trong những bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao. Bệnh nhân đến giai đoạn sớm sống trên 5 năm là trên 90%.
Thế nên, các chuyên gia khuyến cáo chị em nên sàng lọc ung thư vú để tăng tỷ lệ chữa khỏi, giảm chi phí điều trị (chi phí điều trị sớm rẻ hơn nhiều), bảo tồn chức năng tuyến vú, bảo vệ chức năng cơ thể và giảm tổn thương cho cơ thể.
Khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn phải đánh giá kỹ tổn thương ở giai đoạn nào, có bao nhiêu tổn thương có lan đi đâu không, lan ở vị trí nào, toàn bộ mức độ lan rộng, đánh giá chi tiết sâu về sinh học phân tử, hoá môn miễn dịch ở cơ sở hiện đại.
Sau khi có cái nhìn rộng sâu về mức độ lan tràn, sinh học phân tử hoá môn miễn dịch bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ đầy đủ chi tiết đúng đắn nhất. Hiện tại, tại Viện K có thuốc điều trị nhắm trúng đích cho bệnh nhân có thụ thể dương tính, đánh vào đích nội tiết điều trị 5 năm, 10 năm. Đó là "vũ khí" tốt điều trị bệnh, giảm tỷ lệ tái phát.
TS Quang cho biết, bất cứ phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Đặc biệt ung thư vú có thể dựa trên những yếu tố nguy cơ như tuổi phụ nữ tuổi trên 40 chiếm 70 % các ca ung thư vú, tiểu sử gia đình có người bị ung thư vú, có kinh nguyệt sớm trước 12 tuổi hoặc mãn kinh muộn, người không sinh con, người sinh con sau tuổi 30.
Thói quen ăn uống như ăn nhiều chất béo, ăn ít chất xơ, uống bia rượu, béo phì sau mãn kinh đều là các yếu tố thuận lợi cho tế bào ung thư "kích hoạt".
Hãy tự biết khám vú
Các chuyên gia ung thư đều cảnh báo, cách phát hiện ung thư vú sớm nhất mà bất cứ phụ nữ nào cũng nên biết đó là phương pháp tự khám vú. Sau ngày kinh thứ 5 có thể tự khám vú bằng các phương pháp như đứng trước gương, nằm xuống.
Đứng trước gương
Chị em đứng trước gương để tìm ra những thay đổi ở vú. Khi nhìn chú ý kích thước, hình dạng và sự cân xứng của vú cũng như hai đầu vú:
Bước 1: Quan sát vú qua gương
Bước 2: Thả lỏng hai cánh tay rồi quay người dang hai bên. Để ý xem có thấy khối u, đầu vú bị tụt vào, da vú chuyển màu cam hoặc lõm xuống không.
Bước 3: Giơ hai tay lên cao quá đầu kiểm tra vú từ các góc khác nhau.
Bước 4: Đặt bàn tay ở hông ấn xuống để làm căn gnguwjc ra tạo áp lực hướng vào bên trong.
Tự khám vú ở tư thế nằm
Bước 1: Nằm xuống bắt đầu với ngực phải. Đầu tiên, nằm nghiêng sang bên trái, đấu gối gập vào. Đặt một cái gối hoặc một cái khăm tắm dưới tay phải dưới đầu. Dùng tay trái để kiểm tra vú phải bằng cả phương phải giải dọc và phương pháp vòng tròn.
Cách kiểm tra dải dọc ngực từ xương quai xanh xuống dưới đường chân ngực và từ khoảng giữa hai vú sang đường thẳng tưởng tượng tính từ giữa hố nách. Dùng tay trái, bắt đầu dải đầu tiên ở hố nách xoay tròn mạnh dần tại điểm này để phát hiện khối u hoặc chỗ dày lên bất thường, di chuyển dần xuống chân ngực xoay vòng mạnh dần tại mỗi điểm.
Tại điểm cuối đường chân ngực, di chuyển dần lên xương quai xanh, luôn xoay tay theo vòng tròn. Di chuyển lên xuống theo các dải cho đến khi khám hết vú.
Với cách kiểm tra vòng tròn, ta bắt đầu từ đỉnh vú, xoay tay tạo thành một vòng tròn lớn. Di chuyển bàn tay xung quanh vú theo hình xoáy trôn ốc để phát hiện khối u hoặc chỗ dày lên bất thường. Làm như vậy hai lần, một lần nhẹ tay và lần sau ấn mạnh hơn kèm theo kiểm tra đầu vú.
Ấn mạnh hai tay vào đầu ngực để kiểm tra có dịch bất thường hay không.
Khi kiểm tra hố nách dùng tay phải buông xuôi, dùng tay còn lại ấn mạnh và cẩn thận vào nách xem có u không.
Bước 2: Sau đó lặp lại quy trình với ngực trái như đã làm ở trên.