Với mong muốn phòng ngừa nhiễm COVID-19, có rất nhiều người tự uống vitamin C, vitamin D và kẽm mà không biết rằng bổ sung những chất này không đúng cách còn tăng nguy cơ bị ngộ độc.
- Bác sĩ cảnh báo: Tuyệt đối không được tự ý dùng corticoid điều trị COVID-19 tại nhà
- 5 cách “hồi sinh” làn da sau khi nhiễm Covid-19 là gì mà nhiều người truyền tai áp dụng
Chưa có bằng chứng bổ sung nhiều vitamin C, D, kẽm giúp cải thiện COVID nghiêm trọng
TS Azizullah Beran - Đại học Toledo ở Ohio cho biết trên Sức khỏe và Đời sống: “Rất nhiều người có quan niệm sai lầm rằng nếu nạp nhiều kẽm, vitamin D hoặc vitamin C, có thể giúp giảm tình trạng nghiêm trọng của COVID-19, điều đó vẫn chưa được chứng minh là đúng".
Cụ thể, TS. Beran và các đồng nghiệp của ông đã phân tích 26 nghiên cứu được đánh giá ngang hàng thực hiện trên toàn thế giới và bao gồm hơn 5.600 bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Những người được điều trị bằng vitamin D, vitamin C hoặc kẽm không có nguy cơ tử vong thấp hơn những người không được bổ sung.
Mặc dù vitamin D có liên quan đến việc giảm tỷ lệ đặt máy thở và thời gian nằm viện ngắn hơn, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu nghiêm ngặt hơn để xác nhận phát hiện này - theo các tác giả nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành phân tích một nhóm nhỏ bệnh nhân đã dùng vitamin D trước khi nhiễm coronavirus và không tìm thấy nguy cơ tử vong thấp hơn ở nhóm đó.
Tác giả chính của nghiên cứu, TS. Ragheb Assaly - Đại học Toledo, cho biết: "Điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng uống nhiều chất bổ sung này không mang lại kết quả tốt hơn mà còn gây hại".
Theo TS. Assaly, thông điệp quan trọng khác và là câu trả lời cho căn bệnh này chính là vaccine. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng sẽ không bù đắp được việc thiếu vaccine hoặc khiến bạn không cần tiêm vaccine.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng có thể một số bệnh nhân COVID-19 bị suy dinh dưỡng có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung này, nhưng đó là do cơ thể của họ đã thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, chứ không phải do vitamin D hoặc vitamin C có hiệu quả chống lại virus.
"Nếu bạn không thiếu và không cần những chất bổ sung này về mặt y tế, thì không nên tiếp tục bổ sung cho cơ thể, vì chúng không làm được những gì như bạn nghĩ" - TS. Beran nhấn mạnh.
Bổ sung quá nhiều vitamin tăng nguy cơ gây ngộ độc thuốc
- Ngộ độc vitamin C
Vitamin C được biết là có tác dụng tăng cường hấp thu sắt. Tuy nhiên nếu bạn bổ sung vitamin C quá mức có thể dẫn đến tình trạng thừa sắt, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, gan, tuyến tụy, tuyến giáp và hệ thần kinh trung ương.
Các triệu chứng tiêu hóa phổ biến nhất khi hấp thụ quá nhiều vitamin C là tiêu chảy và buồn nôn, có thể dẫn đến trào ngược axit… Những tác dụng phụ này không xảy ra khi ăn thực phẩm có chứa vitamin C, mà là do uống vitamin ở dạng bổ sung.
Trên thực tế, bạn gần như không thể nhận được quá nhiều vitamin C từ chế độ ăn uống của mình. Ở những người khỏe mạnh bình thường, bất kỳ lượng vitamin C bổ sung nào được tiêu thụ vượt quá lượng khuyến nghị hàng ngày sẽ được thải ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nguy cơ quá liều vitamin C cao hơn khi mọi người dùng chất bổ sung và có thể tiêu thụ quá nhiều vitamin.
- Ngộ độc vitamin D
Ngộ độc vitamin D thường là do người bệnh bổ sung vitamin D liều lượng lớn mà không phải do chế độ ăn uống hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Việc bổ sung quá liều vitamin D còn gây tích tụ canxi trong máu (tăng canxi huyết), có thể gây buồn nôn và nôn, suy nhược và đi tiểu thường xuyên. Độc tính vitamin D có thể dẫn đến đau xương và các vấn đề về thận, chẳng hạn như hình thành sỏi canxi.
- Ngộ độc kẽm
Độc tính của kẽm về lâu dài có thể ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến một người có nhiều khả năng phát triển các tình trạng sức khỏe nguy hiểm…
Nếu bổ sung hàm lượng kẽm cao trong thời gian dài, người bệnh có thể bị nhiễm độc kẽm mãn tính, dẫn đến: Giảm chức năng miễn dịch; Thiếu đồng; Giảm cholesterol tốt.