Theo TS.BS Ngô Quang Hải (Nguyên phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương) chia sẻ: Bệnh nhân không nên xông toàn thân bởi xông toàn thân sẽ làm giãn mao mạch toàn thân, bệnh nhân có thể mất nước, dễ hạ huyết áp…
- Áp dụng ngay 5 cách đơn giản này nếu chị em muốn tóc nhanh mọc và dày hơn
- Lạm dụng thực phẩm chức năng tăng chiều cao, nhiều bà mẹ đang vô tình hại con
TS Hải chia sẻ trên Vietnamnet, mục đích của phương pháp xông hơi là để vệ sinh mũi họng, giúp bảo vệ lớp niêm mạc, đồng thời giúp cải thiện các triệu chứng vùng mũi họng.
Do xông hơi là chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào vì vậy, bản chất của phương pháp này là chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng, loãng đờm... chứ không có tác dụng ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh Covid-19, cũng như không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh như nhiều người đồn thổi.
Về nguyên liệu xông, hiện nay có rất nhiều nguyên liệu, mọi người có thể mua các chế phẩm xông đóng sẵn dạng viên, hoặc cũng có thể tự nấu nước xông với các nguyên liệu thông dụng nhất chính là gừng, chanh, sả. Thời gian xông chỉ cần từ 15-20 phút, ngày chỉ cần xông 1 lần là đủ.
Mọi người cần đặc biệt chú ý, không nên xông toàn thân vì mục đích của xông là cải thiện các triệu chứng vùng mũi họng và vệ sinh niêm mạc mũi họng. Nên nếu xông toàn thân sẽ làm giãn mao mạch toàn thân, khiến bệnh nhân dễ bị mất nước và dễ hạ huyết áp… Do đó, bệnh nhân cần hết sức chú ý về thời gian và cách thức xông.
Sử dụng các thực phẩm tự nhiên như gừng, sả, tỏi... đun sôi để xông mũi là cách hiệu quả để giảm các triệu chứng. Bởi theo Đông y, gừng tươi là vị thuốc, còn gọi sinh khương, vị cay, tính ấm, tác dụng giải biểu, tán hàn, ôn trung, hành thủy, tiêu đàm, giải độc. Chính vì thế, gừng có thể dùng để thông khí tinh thần, thông mũi họng.
Sả còn gọi là cỏ sả, sả chanh, lá sả, hương mao, vị cay, thơm, tính ấm, tác dụng phát hãn (ra mồ hôi), chống viêm, tiêu đờm, hạ khí, sát khuẩn, thông tiểu.
Tỏi có vị cay tính ôn ấm, quy về kinh tỳ, phế, vị, tác dụng ôn trung tiêu thực, ôn ấm tỳ vị, tiêu tích giải độc, sát trùng, có thể sử dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Người bệnh cũng cần chú ý trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Sau khi đun sôi hỗn hợp xông, người bệnh chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặt, hít thở sâu để hơi nước và tinh dầu đi vào vùng mũi họng. Thời gian cho mỗi lần xông khoảng 20 phút, sau khi xông, bạn cần lau khô, giữ ấm và tránh gió.
Lưu ý, trong quá trình xông nếu người bệnh có các dấu hiệu khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay việc xông hơi. Với người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể... khi xông hơi cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh bị ngã.
Đặc biệt, chỉ những người có triệu chứng mới nên xông hơi, không nên lạm dụng liệu pháp này. Tốt nhất chỉ nên xông mới tần suất 1 ngày/lần.