NSND Trung Anh là nam nghệ sĩ được nhiều khán giả Việt yêu thích. Ít ai biết rằng, 'ông bố quốc dân' từng trải qua nỗi buồn khó quên.
- Sau 20 ngày An Tây bị bắt vì liên quan đến ma tuý, em trai nói lời ruột gan, tiết lộ tình trạng hiện tại của người thân
- Dương Ngọc Thái cấp cứu vì xuất huyết dạ dày: Sức khoẻ hiện ra sao?
NSND Trung Anh sinh năm 1961, là diễn viên kỳ cựu của Nhà hát Kịch Việt Nam. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều với vai trò diễn viên trong các phim truyền hình như: Hôn nhân trong ngõ hẹp, Người phán xử, Về nhà đi con, Trở về giữa yêu thương, Thương ngày nắng về, Đấu trí, Chúng ta của 8 năm sau…
Đặc biệt sau vai diễn "Sơn xoăn" trong Về nhà đi con, nam nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến và gọi với biệt danh "ông bố quốc dân".
Dù nam nghệ sĩ trở nên quen mặt và được yêu thích với các vai diễn trong các bộ phim truyền hình nhưng ông tâm sự, tình yêu sân khấu luôn cháy bỏng với mình.
Trung Anh nhận danh hiệu NSND vào năm 2019. Năm 2021, ông nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Việt Nam sau 43 năm gắn bó.
Thành công trong sự nghiệp được bạn bè đồng nghiệp nể phục nhưng mấy ai biết cuộc sống thời thơ ấu của ông vô cùng buồn và ám ảnh.
Năm 7 tuổi, NSND Trung Anh phải trải qua nỗi đau mất 3 người thân trong 1 ngày là mẹ, dì và chị gái. Trong thời gian chiến tranh, nhà của ông bị ném bom, nam nghệ sĩ ngủ dưới hầm trú ẩn nên may mắn sống sót.
Chia sẻ về nỗi đau, NSND Trung Anh tâm sự: "Chuyện xảy ra khi tôi còn bé. Đó là năm 1968, tôi chỉ mới 7 tuổi. Đêm ấy Mỹ ném bom xuống sân nhà tôi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, cướp đi mẹ, dì và chị ruột tôi cùng một lúc. Tôi ngủ ở dưới hầm nên may mắn sống sót. Đến bây giờ hình ảnh đó vẫn ám ảnh. Tôi nghĩ dù có bao nhiêu năm trôi qua đi chăng nữa thì tôi cũng không thể quên được giây phút đó".
NSND Trung Anh tiết lộ, khi bi kịch mất người thân ập đến, bố và 2 anh trai của ông đang công tác, học tập tại Hà Nội. Vì khi ấy điều kiện khó khăn, nam nghệ sĩ không thể liên lạc để báo tin. Sau khi làm tang lễ cho mẹ, dì và chị gái, NSND Trung Anh đã đi bộ ra Hà Nội để tìm bố.
Nam nghệ sĩ kể lại: “Tôi đi bộ 400 cây số từ Đức Thọ ra Hà Nội để tìm bố. Tôi không nhớ đi trong bao lâu, đường đi khó khăn thế nào. Tôi vẫn còn giữ nguyên ấn tượng về chặng đường ra Hà Nội, cái cảm giác sợ hãi và run bần bật khi lần đầu tiên ngồi trên tàu điện”.
Nam nghệ sĩ thừa nhận, dù là một diễn viên nhưng ông là người ít nói: "Nhiều người bảo, sao anh kiệm lời vậy? Nhưng tính tôi từ xưa nay vẫn thế chứ không phải cố ý như vậy. Tôi nhận mình là người giao tiếp kém, không nói được lời hoa mỹ nhưng tôi chân thành với bạn bè, đồng nghiệp".
Ông cũng thừa nhận chính những tháng ngày tuổi thơ vất vả đã rèn luyện ông thành một người cứng cỏi, trưởng thành và độc lập sớm.