Năm 2012, Bạch Tuyết được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, hiện bà là Tiến sĩ cải lương đầu tiên của Việt Nam tại 2 viện hàn lâm Anh quốc và Bulgaria.
- NSND Bạch Tuyết: "Người nghệ sĩ nào cũng mong ước được như Minh Phụng"
- NSND Bạch Tuyết: Trăm năm sân khấu cải lương không có ngôi vị thứ hai nào khác ngoài hoàng tử Minh Phụng
Vào thời điểm những năm 60, 70 của thế kỷ 20, giọng ca đầy truyền cảm của Bạch Tuyết đã trở thành một hiện tượng và được báo chí ví von như “một con chim lạ” bay vào làng nghệ thuật cải lương Việt Nam. Một số vai diễn nổi tiếng do bà hóa thân phải kể đến như: Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Thúy Kiều…
Mới đây, xuất hiện trong chương trình Học viện cải lương, NSND Bạch Tuyết trải lòng về thời hoàng kim của cải lương, đồng thời nhắn nhủ đến các bạn trẻ yêu quý, phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đáng chú ý, khi chia sẻ về sự nghiệp hoàng kim của mình, NSND Bạch Tuyết nói, hồi 16 tuổi, bà đã có cát-xê đủ để xây nhà 3 tầng cho bố. NSND Bạch Tuyết bộc bạch: “Thời chúng tôi cực nhưng cũng sướng lắm. Ông bầu phát hiện nghệ sĩ có hơi tốt thì mời về ngay, mướn soạn giả viết tuồng, người đờn. Sau đó, họ cho thu tuồng, thu bài, phát trên đài phát thanh mỗi ngày 5 lần. Nếu ca hay thì chỉ 3 tháng sau nghệ sĩ sẽ nổi tiếng. Chỉ cần nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được ông bầu, bà bầu thưởng thêm rất nhiều. Nghệ sĩ vì thế không tranh đua, chỉ tập trung làm nghề cho thật tốt. Năm 16 tuổi, khi tôi làm đào chánh, ký một giao kèo đã cất được căn nhà lầu 3 tầng cho ba tôi”.
Ở tuổi 80, NSND Bạch Tuyết vẫn khỏe mạnh, tràn đầy nhiệt huyết với nghệ thuật cải lương và hạnh phúc khi phần lớn các thí sinh tham gia chương trình đều thuộc gen Z. Bạch Tuyết cho rằng đến hiện tại nhiều nghệ sĩ vẫn còn được khán giả nhắc vì họ có nhiều tuồng hay, vai diễn ấn tượng. Bà đề cao vai trò của tác giả. Vì thế, theo bà, ngoài kỹ năng ca - diễn thì việc thế hệ nghệ sĩ mới biết sáng tác, tập tành sáng tác cũng rất quan trọng, hướng tới trở thành nghệ sĩ toàn năng.
Vừa qua, tạp chí Forbes đã lựa chọn nghệ sĩ Bạch Tuyết vào top 50 người phụ nữ trên 50 tuổi (50 Over 50) có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á. Tờ tạp chí viết: "Nguyễn Thị Bạch Tuyết (tên đầy đủ) là một nghệ sĩ của mọi nhà ở Việt Nam, được biết đến với dòng nhạc cải lương - một loại hình ca kịch truyền thống hiện đại. Bà đã lấy bằng tiến sĩ vào năm 1985 và ở độ tuổi 60, bà được công nhận là nghệ sĩ nhân dân, sự công nhận cao nhất của Việt Nam dành cho những người trong ngành sáng tạo".
Bên cạnh đó, ca khúc hit Về nghe mẹ ru của NSND Bạch Tuyết (cùng ca sĩ Hoàng Dũng, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, nghệ sĩ 14 Casper) cũng được Forbes nhắc đến, với thành tích đoạt giải TikTok Awards Việt Nam ở hạng mục Âm nhạc của năm 2022.
"Sự hợp tác của bà với các thể loại nghệ thuật đương đại như hip-hop thu hút gần 20 triệu lượt xem, và bà đang sản xuất một game show mới trong năm 2024" - Forbes viết.
Bạch Tuyết quê Châu Đốc, An Giang, lên sân khấu lần đầu tiên vào năm 1962 với vai cô lái đò, vở Lá thắm chỉ hồng của soạn giả Điêu Huyền. Năm 1963, Bạch Tuyết được trao huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm qua vai người vợ bé trong kịch bản Tàn một kiếp hoa của tác giả Trọng Nguyên.
Năm 1965, trong vai Lê Thị Trường An vở Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp, Bạch Tuyết tiếp tục nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm dành cho diễn viên xuất sắc. Bà được giới báo chí lúc bấy giờ phong tặng danh hiệu "Cải lương chi bảo".
Bộ đôi Bạch Tuyết - Hùng Cường từng để lại dấu ấn đẹp nhất trong lòng khán giả mộ điệu cải lương. Ngoài ra, bà còn biểu diễn ăn ý với các nam nghệ sĩ như Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương. Bạch Tuyết là nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên xuất hiện trên sân khấu thể nghiệm với vai trò độc diễn trong Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua. Những năm gần đây, bà kết hợp các nghệ sĩ trẻ như Hoàng Dũng (Về nghe mẹ ru), Wowy (Tia sáng cuối cùng).