Ngoài bằng khen, những nghệ sĩ được phong tặng sẽ nhận được số tiền thưởng tương ứng theo quy định.
- Chân dung vợ kém 10 tuổi của NSND Trung Anh: Là 'fan cứng' của chồng, một mình quán xuyến gia đình suốt gần 30 năm
- NSND Tự Long ẩn ý không tham gia Táo Quân, nghi vấn dàn nghệ sĩ quen mặt 'vắng bóng' khiến khán giả hoang mang
Theo thông tin từ báo Lao động, dự kiến ngày 26/1 tới đây, lễ trao tặng danh hiệu NSND- NSƯT sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi danh sách nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu lần này được công bố, nhiều nghệ sĩ chia sẻ, họ vinh dự khi nhận được danh hiệu NSND – NSƯT sau bao năm nỗ lực, cống hiến. Để trở thành NSND, NSƯT, mỗi cá nhân nghệ sĩ ở từng lĩnh vực nghệ thuật đều phải có thâm niên khoảng 10-15 năm hoạt động.
Theo thông tin từ VTC news, ngoài bằng khen, những nghệ sĩ được phong tặng sẽ nhận được số tiền thưởng tương ứng theo quy định. Theo Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ 1/1/2024, mức tiền thưởng cho NSND bằng 12,5 lần mức lương cơ sở, với NSƯT là 9 lần mức lương cơ sở.
Cụ thể với các nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND nhận mức thưởng là 22,5 triệu đồng (tương đương với hệ số 12,5). Còn các nghệ sĩ nhận danh hiệu NSƯT có mức thưởng 16,2 triệu đồng (tương đương với hệ số 9).
Ngoài ra, các nghệ sĩ sau khi được phong tặng danh hiệu cũng sẽ được tăng lương ở cơ quan chủ quản. Số tiền thưởng mà các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhận được hiện nay đã có nhiều thay đổi so với trước kia. Vào khoảng năm 2012, danh hiệu NSND được thưởng từ 12-15 triệu đồng, danh hiệu NSƯT nhận được dưới 10 triệu đồng.
Nhiều nghệ sĩ khẳng định, danh hiệu không giúp họ có thêm thu nhập “khủng”. Thậm chí, ở các lĩnh vực như múa, chèo, sân khấu... dù có được danh hiệu NSND – NSƯT, nhiều nghệ sĩ vẫn sống vất vả do thu nhập thấp từ đặc thù ngành nghề.
Trao đổi với báo Lao Động, đạo diễn – NSƯT Sĩ Tiến, hiện là Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, “Khi có được danh hiệu NSND – NSƯT, mỗi nghệ sĩ sẽ được tăng một bậc lương, khoảng 1 triệu đồng”.
NSƯT Chí Trung cũng cho biết, lương và tiền bồi dưỡng ở các suất diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ có quy định chung với tất cả các nghệ sĩ, đều ở mức thấp, ngay cả với nghệ sĩ có danh hiệu.
“Cát-xê cho mỗi đêm diễn ở nhà hát được tính theo vai chính, vai phụ. Vai chính sẽ nhận tiền bồi dưỡng từ 150 – 200 nghìn đồng/đêm, vai phụ từ 70 – 100 nghìn đồng/đêm diễn” – NSƯT Chí Trung nói.
Nguồn thu nhập lớn nhất của nghệ sĩ đến từ danh tiếng, sức lan tỏa, độ nhận diện của họ đối với khán giả, chứ không phải từ danh hiệu NSND, NSƯT. “Nhà hát Tuổi trẻ luôn tạo điều kiện để các nghệ sĩ đi tham gia đóng phim, nhiều nghệ sĩ đã làm nên tên tuổi, sức hút riêng như Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang... Việc tham gia phim truyền hình vừa giúp các nghệ sĩ có thêm thu nhập, vừa tăng độ nhận diện, xây dựng thương hiệu cá nhân riêng. Khi có thương hiệu cá nhân, họ sẽ kiếm được thu nhập từ rất nhiều nguồn khác nhau, ví dụ như quảng cáo, chạy sự kiện... ” – NSƯT Chí Trung chia sẻ khi nhắc đến nguồn thu của các nghệ sĩ sân khấu khi lấn sân sang truyền hình.
Khi phim truyền hình giờ vàng có sức lan tỏa với nhiều dự án gây bão đã giúp đông đảo nghệ sĩ có thêm thu nhập lớn từ quảng cáo, chạy sự kiện, đại diện nhãn hàng, quảng cáo trên trang cá nhân... Đây mới là nguồn thu nhập lớn nhất của nghệ sĩ hiện nay.
“Cát-xê đóng phim truyền hình không lớn, nhưng nếu vai diễn được yêu thích, bộ phim được yêu thích, sẽ mở ra vô vàn những cơ hội lớn để nghệ sĩ có thêm thu nhập” – đạo diễn, NSND Trọng Trinh cho biết.