Theo MC Tùng Leo, hình ảnh Cô Đẩu trong Táo quân ngày càng có tạo hình diêm dúa, lạm dụng hình thể và có nhiều tính chất đùa cợt từ những nhân vật khác, vô hình trung đang làm tăng sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBT. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với MC Tùng Leo để có được những chia sẻ sâu hơn về vấn đề này.
- 'Bắc Đẩu' Công Lý: 'Ai dừng cứ dừng, tôi vẫn đóng Táo Quân'
- ‘Cha đẻ’ Táo Quân: Cần thay đổi, nhưng Chí Trung nói vậy là không thật
Hình ảnh nhân vật cô Đẩu đang sai theo ý kiến của anh ở mặt hình ảnh, xây dựng nhân vật, cách thể hiện của diễn viên hay là các tương tác từ nhân vật khác với cô Đẩu?
- Tôi nghĩ sự sai là chung cho tất cả những ý nêu trên. Như tôi đã nói trên chương trình Cà phê sáng chủ nhật 6.1.2019 về những ý kiến của mình, tuy nhiên chương trình rất ngắn chưa nói hết được hết vấn đề. Thực ra những gì Táo quân làm với Cô Đẩu không sai nhưng không còn đúng thời điểm này nữa. Nếu trước đây người ta có thể đùa cợt với câu chuyện về giới tính thì dần dần hệ tư tưởng thay đổi, chúng ta cũng phải thay đổi mọi thứ về vấn đề này.
Nói là sai thì không hẳn chính xác mà là không đúng với thời thế. Trước đây hài kịch thường sử dụng hài ngoại hình như lấy việc mắt lé, sứt môi, đi đứng khập khiễng, chây tay co quắp của người khác ra để mà hài thì chúng ta thấy rằng giờ đây đã không còn nữa. Hài như vậy là sự thiếu tôn trọng với những người có khiếm khuyết cơ thể. Và rõ ràng ngày xưa chúng ta vẫn hài được nhưng bây giờ thì chúng ta không được làm thế, chúng ta phải thay đổi, những gì sai thì phải sửa. Giới tính cũng tương tự như vậy, giới tính nào cũng phải được coi là bình thường và được nhìn nhận công bằng như nhau.
Hiện nay những gì đang diễn ra ở nhân vật Cô Đẩu khiến sự kỳ thị về giới tính đang tăng lên. Ví dụ như việc bản thân Cô Đẩu có một hình ảnh ngày càng trở nên diêm dúa làm cho người ta cảm thấy đây là hài ngoại hình, như là người ta nhìn và cười vào một sự kỳ dị. Tiếp đó là những ứng xử như là sự trêu chọc của các nhân vật khác với Cô Đẩu cho dù chỉ để cho vui cũng cho thấy cách nhìn nhận của mọi người với nhân vật này và cũng đồng thời thấy mọi người nhìn nhận về LGBT là hoàn toàn không nghiêm túc.
Tại sao anh lại chọn Cô Đẩu để nêu ý kiến của mình cho cái nhìn về LGBT?
- Táo quân là một trong chương trình rating cao nhất của VTV ngày cuối năm và được mọi người mong đợi kể cả bản thân tôi. Thông qua chương trình này mọi người thấy bức tranh của cả một năm qua của đất nước mình. Chính vì yêu quý nên tôi muốn góp ý để có sự thay đổi. Nếu không thay đổi thì có thể nó sẽ định hướng sai lầm cho xã hội. Ví dụ trong chương trình Cà phê sáng, có thể thấy khi phóng viên mang máy quay ra ngoài hỏi mọi người nghĩ gì về hình ảnh Cô Đẩu, mọi người trả lời như thế nào: Họ nói họ thích Cô Đẩu, vui mà, dễ thương mà.
Mọi người thấy vui chính vì mọi người nhìn vào hình ảnh Cô Đẩu như là một sự hài hước để thoải mái đầu óc mà quên là mình đang cười cợt trên ngoại hình của người khác. Và đã là sự kỳ thị thì đó là sự thiếu tôn trọng người khác. Và giới tính đặc biệt không có nghĩa là phải được ứng xử đặc biệt.
Anh đã bao giờ nghe giới LGBT phàn nàn khi họ không đồng tình với hình ảnh Cô Đẩu chưa?
- Thật ra tôi không thường xuyên trò chuyện với mọi người, đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, ai quan tâm tới tôi thì cũng biết tôi hay nêu ý kiến cá nhân của mình về những vấn đề văn hóa xã hội, giải trí và mang tính xây dựng. Tôi nêu ra ý kiến cá nhân nhưng để mọi người cùng suy nghĩ và bàn luận để đi đến điều tốt hơn chứ không nói hộ ai, không nâng quan điểm và có ý định đưa ra một luồng tranh luận.
Nếu như năm nay hình ảnh Cô Đẩu không có sự thay đổi gì như mong muốn của anh thì anh sẽ cảm thấy như thế nào?
- Một tay tôi không thể che hết bầu trời, chỉ là nếu tôi nói đúng thì sẽ có người lắng nghe. Còn nếu họ lắng nghe và họ không thay đổi thì đó là quyền của họ, vì họ lớn hơn tôi, nhiều kinh nghiệm hơn tôi và nhiều khi tôi cũng phải tự học hỏi rút kinh nghiệm từ chính quan điểm của mình. Tôi nhắc lại là không có dự định đưa ra một cuộc tranh luận mà chỉ đưa ra ý kiến cá nhân thôi. Nếu ý kiến cá nhân của tôi có tác động với người khác mà làm mọi thứ tốt đẹp hơn thì tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một ý kiến riêng, còn nếu không thì cũng không sao cả.
Anh nghĩ rằng điều này xảy ra là do mọi người thiếu thông tin về LGBT?
- Tôi nghĩ không phải họ thiếu mà họ chưa cập nhật hoặc theo thói quen suy nghĩ cũ mà mặc định như vậy mà không biết mình đã làm gì. Ví dụ trước đây tôi có tham gia phim điện ảnh “Cô Ba Sài Gòn”, tôi vào vai một trợ lý thiết kế của Helen, vai đó cũng là vai LGBT. Nhưng tôi đã để xuất với đạo diễn là tôi sẽ không ẽo ợt, không theo kiểu hài hước ngoại hình mà sẽ là một nhân vật nghiêm túc, đúng nhất với hình ảnh mà tôi thấy được và tôi rất được ủng hộ.
Thực ra là vì chúng ta không được nói, không được bàn luận, và nhiều người không được nói là tôi không muốn làm điều đó nên họ tưởng họ làm là đúng. Những người làm chương trình họ không biết họ làm điều sai, nếu họ biết là họ sai thì họ sẽ thay đổi ngay. Nếu cho đến ngày hôm nay từ truyền hình, hài, gameshow, kịch, điện ảnh…, nếu chúng ta vẫn tiếp tục mang giới tính người khác ra để hài hước thì không xứng đáng là một dân tộc văn mình.
Tại sao cộng đồng LGBT không lên tiếng khi có những hình ảnh sai về họ?
- Họ có lên tiếng, nhưng ở Việt Nam việc lên tiếng vốn rất yếu ớt. Hơn nữa là hệ quả của sự quen, nếu mua con cá mỗi ngày ta bỏ cho nó một hạt muối thì khi mua con cá nước ngọt thả vào nó sẽ chết ngay vì nó đã không còn là con cá nước ngọt ngay từ đầu nữa rồi và nó đã là con cá nước lợ. Mình đã quen điều đó là bình thường rồi, không ai nói cho mình là điều đó có thể không đúng. Một chương trình trên sóng quốc gia chắc chắn là tiếng nói chung của cả nước. Nếu định hướng sai dư luận thì mọi người sẽ cười cợt như vậy mãi. Nếu ngoài đời ta gặp những người LGBT và theo thói quen ta cười cợt họ và cho là đúng là do hậu quả của những chương trình như thế này.
Những hình ảnh truyền thông đúng đắn về LGBT gần đây anh thấy là ở đâu?
- Trong bộ phim điện ảnh của “Chị trợ lý của anh” có nhân vật LGBT rất văn minh. Tôi muốn có những hình ảnh như thế trong cuộc đời, để những người dân chỉ biết cắm mặt ở ruộng lúa, khi ngẩng mặt lên xem cái một tác phẩm nào đó thì họ được thấy những gì đúng với những thứ đang xảy ra xung quanh mình. Nếu họ nếu họ thấy những hình ảnh sai thì đó chính là lỗi của truyền thông. Có những thứ ngày xưa là đúng nhưng giờ sai mình phải chấp nhận là nó sai. Còn nếu nó không sai, thì bản thân tôi cũng nên xem lại suy nghĩ của mình. Quan trọng là chúng ta cùng vì một chương trình Táo quân ngày một hay hơn cho ngày cuối năm mà tôi và mọi người rất mong chờ.
Xin cảm ơn anh!