Lễ viếng diễn viên Thẩm Thúy Hằng được bắt đầu vào sáng 10/9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM).
- Lễ tang minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng diễn ra ngày 10-9 tại TP.HCM: người thân đã trở về Việt Nam chuẩn bị tang lễ
- Không hổ danh minh tinh màn bạc nức tiếng, nhan sắc lẫy lừng một thời của Thẩm Thúy Hằng khiến dân tình "chao đảo"
Theo thông tin từ Vietnamnet, vào 8h sáng ngày 10/9, linh cữu của diễn viên Thẩm Thúy Hằng được đưa đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM). Sự ra đi của nữ diễn viên khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam và khán giả vô cùng tiếc thương.
Gia đình, người thân hiện đã có mặt trong lễ tang để tiễn biệt nữ diễn viên. Bốn người con trai của cố nghệ sĩ đã có mặt tại Việt Nam để lo liệu lễ tang cho mẹ. Người thân lựa chọn hình ảnh của diễn viên Thẩm Thúy Hằng ở thời điểm đỉnh cao của tài năng, nhan sắc để làm di ảnh. Vào giai đoạn 1950-1970, bà được xem là minh tinh của điện ảnh Việt Nam. Tên tuổi của bà không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết tới tại nhiều nước châu Á.
Bên cạnh đó, NSND Kim Cương có mặt từ sớm để lo liệu lễ tang cho bạn thân. Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng là hai trong "tứ đại mỹ nhân" một thời (hai người còn lại là Kiều Chinh và Thanh Nga). "Kỳ nữ" Kim Cương cho biết hiện tại, sức khỏe của bà vẫn yếu. Bà đau buồn trước sự ra đi của Thẩm Thúy Hằng - người bạn chia ngọt sẻ bùi, trải qua hàng chục năm gắn bó.
Đại diện gia đình cho biết lễ tang tổ chức trong hai ngày 10 và 11/9. Sau đó, lễ di quan diễn ra vào sáng 12/9.
Ngay từ khi còn là học sinh, Thẩm Thúy Hằng với tên thật là Nguyễn Kim Phụng đã nức tiếng là nhan sắc hoa khôi. Vẻ đẹp trời phú này là cơ duyên đưa Thẩm Thúy Hằng đến với điện ảnh năm 16 tuổi khi vượt qua 2.000 thí sinh để giành giải nhất cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của Hãng phim Mỹ Vân. Sau khi được đi học lớp diễn xuất ngắn hạn ở Hong Kong, trở về nước, Thẩm Thúy Hằng lập tức trở thành ngôi sao sáng ngay từ bộ phim đầu tay Người đẹp Bình Dương.
Thẩm Thúy Hằng đã tham gia khoảng 60 phim. Ngoài ra, bà còn đóng kịch, hát cải lương. Sau năm 1975, nữ nghệ sĩ tiếp tục đóng một số phim như Cho cả ngày mai, Ngọn lửa Krông Jung... Bà được xem là nữ ngôi sao, minh tinh của điện ảnh Việt Nam giai đoạn 1950-1970. Tên tuổi của bà không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết tới tại nhiều nước châu Á.