Câu chuyện sau ánh hào quang đời người nghệ sĩ liên tục được chia sẻ nhưng kéo theo đó là những hệ lụy khôn lường khiến ai nấy không khỏi bàng hoàng.
- Danh hài Duy Phương: "Lê Giang không xin lỗi, thậm chí còn thách thức tôi"
- Dù đã ngoài 40, nhan sắc Lê Giang - vợ cũ Duy Phương vẫn như thiếu nữ 18 khiến nhiều chị em ganh tỵ
Một nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật
Bước lên sân khấu, mỗi người nghệ sĩ đều dốc hết tài năng cống hiến để đổi lấy tiếng cười, những tràng vỗ tay cho khán giả. Thế nhưng, khi cánh màn nhung khép lại, công chúng nào ai rõ họ cười khóc ra sao. Có những câu chuyện đau thương được giữ kín đến khi nhắm mắt xuôi tay. Họ không muốn kể và cũng không tin tưởng để kể. Bởi kể rồi, liệu công chúng đón nhận cảm thông hay khinh ghét? Người nghệ sĩ càng muốn giấu kín đời tư, công chúng lại càng muốn biết. Đó chính là cơ sở để các nhà sản xuất chương trình truyền hình bắt đầu nghĩ ra những format khai thác tối đa tài năng lẫn câu chuyện đời, chuyện nghề của người nghệ sĩ.
Rộ lên gần đây nhất là "Sau ánh hào quang" - một talkshow do MC Trấn Thành cầm trịch cùng nhiều khách mời là những nghệ sĩ nổi tiếng của làng giải trí Việt. Khi chương trình mới vừa lên sóng, khán giả thật sự phát cuồng vì nó. Bởi tất cả các nghệ sĩ tham gia chương trình đều chịu nói và chấp nhận nói về những thăng trầm biến cố trong cuộc đời họ. Ai không rơi nước mắt khi nghe nghệ sĩ Thanh Hằng khóc nức nở thổ lộ từng muốn chết sau những trận đòn nhừ tử của chồng vì cơn ghen quá độ? Ai không sụt sùi thương cảm khi nghe Cát Phượng lần đầu thừa nhận cái sai của bản thân là chia tay Thái Hoà? Ai không bùi ngùi chạnh lòng khi nghe danh ca Hoạ Mi lần đầu lên tiếng minh oan cho bản thân vì bị gắn mác tham giàu bỏ chồng đầy tủi hổ suốt thời son trẻ?... Khán giả ca ngợi, tung hô nhà sản xuất hết lời vì quá tài khi có thể thuyết phục những người nghệ sĩ ngồi vào chiếc ghế của chương trình để chia sẻ nhiều và thật đến thế.
Tuy nhiên, từ vị thế được xem là điểm sáng khi các chương trình truyền hình đang trong giai đoạn bão hòa, "Sau ánh hào quang" lại trở thành tội đồ nhận nhiều gạch đá từ dư luận khi câu chuyện của nghệ sĩ Lê Giang lên sóng vừa qua. Lê Giang ngậm ngùi kể về câu chuyện làm vợ bé danh hài Duy Phương để rồi gánh chịu những trận đòn đau, bị ném từ trên cầu thang xuống, phải quỳ khóc xin chồng đừng đánh nữa. Tuy nhiên, chồng cũ của cô là danh hài Duy Phương ngay lập tức đã phản bác lại. Ông cho rằng, cô đã kể sai sự thật. Nam danh hài khóc tức tưởi kêu oan và quyết tâm kiện chương trình. Công chúng bắt đầu chỉ trích "Sau ánh hào quang" vì khai thác đời tư người nghệ sĩ quá nhiều và thiếu kiểm chứng dẫn đến những hậu quả khôn lường. Mọi tai tiếng mọi sỉ vả đều đổ dồn về phía những người làm chương trình lẫn MC Trấn Thành. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ đòi tẩy chay, khán giả đòi xoá sổ chương trình. Lỗi thật sự có nằm ở "Sau ánh hào quang"?
Bất kỳ một chương trình truyền hình nào đều đòi hỏi sự kiểm chứng thông tin. Người ta kiểm tra được bề nổi nhưng khó ai kiểm tra được bề chìm. Chẳng hạn như câu chuyện của ông bố nuôi hai con teo não Đặng Hữu Nghị trong Hát mãi ước mơ. Chương trình cũng đã đến địa phương anh sinh sống để xác minh thông tin, tìm hiểu bà con hàng xóm. Trước khi lên chương trình Hát mãi ước mơ, anh Đặng Hữu Nghị còn được nhiều tờ báo uy tín viết bài và kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ. Vậy câu chuyện về anh hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng là sự thật. Nào ngờ, sau khi chương trình phát sóng, vợ anh Nghị lại tìm về và tố chồng nói dối kéo theo nhiều câu chuyện phức tạp khác được phơi bày. Rõ ràng, nhân vật chính giấu diếm quá giỏi chứ nào phải do chương trình không xác minh tìm hiểu.
Với một chương trình có thể kiểm chứng cao như thế còn xảy ra trục trặc huống chi đối với những chương trình đặc biệt như talkshow. Bởi ai cũng biết talkshow là thể loại đặc biệt "khó chịu khó ở" hơn cả. Để thuyết phục nhân vật chính lại là người nổi tiếng tham gia chương trình nói về một vấn đề gì đó đã nhiêu khê huống chi nói về cuộc đời của chính họ. Đôi khi, một nhân vật phải mất mấy tháng để trò chuyện, tạo sự tin tưởng, tín nhiệm mới nhận được cái gật đầu ưng thuận của họ. Trên lý thuyết là thế, vào chương trình lại khác. Ngoài nghệ sĩ thì MC, người cầm trịch chương trình có đủ thông minh, tinh tế và tin cậy để khai thác câu chuyện của khách mời hay không lại là chuyện nan giải khác. Trên một chương trình được phát sóng trên toàn quốc, người nghệ sĩ thừa biết lời nói và thông tin câu chuyện họ cung cấp có sức nặng và làm thay đổi cuộc sống của họ ra sao. Chắc chắn rằng, không phải nghệ sĩ nào cũng đủ can đảm và dũng cảm đề thừa nhận mình sai trong quá khứ. Cũng chẳng nghệ sĩ nào dám dõng dạc kể hết mọi tình tiết câu chuyện để khán giả "ném đá", có cái nhìn thiếu thiện cảm về mình... Dù sao họ cũng là ngôi sao, mà đã là ngôi sao thì cần tình yêu thương, sự tung hô của khán giả. Tự kể xấu, tự "bôi tro trát trấu" vào mặt khác nào đẩy khán giả rời xa mình. Và khi ấy, không phải người nghệ sĩ nào cũng dám nói thật 100% câu chuyện đời mình. Họ chỉ nói một ít hay một vài tình tiết đủ sức nặng, đủ thuyết phục mà thôi.
Ê kíp chương trình có thể sẽ đi kiểm chứng, nhưng theo thời gian trôi qua quá lâu, bao nhiêu nhân chứng của câu chuyện đó còn hiện hữu trên cõi đời này? Giả sử những nhân chứng ấy còn sống, liệu họ có dám nói hết sự thật về người bạn người thân của mình không? Hay chỉ nhận được những câu xác minh đại loại như: "Tôi nhớ mang máng là thế!", "Chuyện lâu quá rồi, tôi nhớ không rõ, hình như là vậy"... Rốt cuộc, câu chuyện kể đúng sai, phải trái, thật hư thế nào chỉ có mỗi nhân vật chính của câu chuyện - người đang kể kia là rõ ràng nhất. Tất nhiên, một nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật. Điều này đặt khán giả vào vị thế của một người xem, một người thưởng thức tỉnh táo. Xét đến cùng chương trình truyền hình nào cũng mang tính giải trí. Đã là giải trí thì không cần đặt quá nhiều niềm tin hay kỳ vọng, chỉ cần xem thấy thích, thấy thoả mãn nhu cầu giải trí của bản thân thế là ổn. Trước "Sau ánh hào quang" cũng có nhiều talkshow về nghệ sĩ cũng bị chỉ trích "lên bờ xuống ruộng" chỉ vì khán giả đặt niềm tin quá nhiều trong khi họ thừa hiểu showbiz Việt muôn hình vạn trạng, nghệ sĩ cũng phân người tốt người xấu như trong xã hội đang sống ấy mà.
Một tiếng cười đổi ngàn vạn nước mắt, kể để làm chi?
Trong câu chuyện của nghệ sĩ Lê Giang và Duy Phương đang gây tranh cãi dữ dội kia, liệu ai có thể đứng ra phân giải đúng sai? Chính khán giả cũng là người ba phải. Lúc đầu nghe Lê Giang tâm sự, họ đứng về phía nữ nghệ sĩ mà lên án, thậm chí đòi bỏ tù danh hài Duy Phương. Sau đó, khi danh hài Duy Phương khóc lóc nói mình bị oan, họ lại phẫn nộ và lên án Lê Giang nói dối, tàn nhẫn khi kể tội chồng cũ trước mặt hai con. Chưa dừng lại ở đó, họ đổ lỗi và tẩy chay luôn cả chương trình vì cho rằng nhà sản xuất thiếu kiểm chứng, thiếu nhân văn khi bới móc chuyện quá khứ.
Lê Giang hay Duy Phương, mỗi người đều có cái lý riêng và chắc chắn họ cũng không nghĩ câu chuyện bị đẩy đi quá xa đến mức này. Ở cương vị Lê Giang, một người phụ nữ chịu tổn thương sau một cuộc hôn nhân thất bại, hai đứa con ruột lại không kề cận, một mình bôn ba nơi đất khách quê người hẳn phải buồn tủi lắm. Khi được mời tham gia một chương trình có tính tâm sự, trò chuyện, giãi bày như "Sau ánh hào quang", Lê Giang muốn được trải lòng về những biến cố của cuộc đời, phần nào giảm bớt nỗi uất ức, đau khổ trong nhiều năm qua. Có lẽ, cô không vụ lợi hay toan tính gì cho bản thân vì cũng từng là nghệ sĩ nổi tiếng và đã định cư ở nước ngoài khá lâu. Tuy nhiên, những lời kể vô tư ấy lại đánh động cả một đám đông dẫn đến chuyện họ phản ứng và trút giận thay cô lên danh hài Duy Phương. Ở tâm thế Duy Phương, khi bị vợ cũ tố bạo hành tàn nhẫn, bị tẩy chay và kinh tế bị đe doạ, ông cũng có cái lý của mình để bảo vệ bản thân và phản bác lại câu chuyện. Cuộc khẩu chiến này, người đòi chết kẻ ngoan cố không nhận sai quả không thể có hồi kết. Niềm đau và sự xót xa trút lên đầu hai đứa con của họ là Lê Lộc và Duy Phước. Một bên là cha, một bên là mẹ, bên nào cũng nặng cũng trọng như nhau. Cả hai khó xử đến mức phải viết status đầy bất lực trên Facebook cá nhân để cầu xin sự đồng cảm của dư luận, mong mọi người ngừng ném đá cha mẹ mình, để câu chuyện được lắng dần và chìm vào quên lãng một lần nữa như tuổi thơ của họ đã từng trôi qua trong nước mắt và lặng lẽ. Nhìn cha mẹ phân tranh, nhìn người đời đua nhau chỉ trích lên án cha mẹ mình, không ai có thể kìm lòng được, nhất là khi cả hai anh em đã nỗ lực rất lâu mới hàn gắn được những tình thương.
Còn nhớ cách đây không lâu, Lê Lộc tham gia chương trình "Sao nối ngôi". Trong tập lội ngược dòng của mình, cô đã thực hiện được ước mơ từ bé là nắm tay hai đấng sinh thành vốn khắc nhau như nước với lửa cùng đứng chung trên một sân khấu lần nữa. Ở khoảnh khắc đó, khi Lê Giang, Duy Phương, Lê Lộc và Duy Phước nắm tay nhau đầy hạnh phúc khiến khán giả không khỏi xúc động và mừng thầm cho một gia đình tan vỡ lại có ngày đoàn viên. Vậy mà hình ảnh cao đẹp đó nay còn đâu.
Chỉ vì một phút giây thiếu cân nhắc và không lường trước hậu quả, Lê Giang cũng như nhiều nghệ sĩ đã đánh thức quá khứ vốn đã ngủ êm đềm trỗi dậy. Đồng nghĩa với việc những nỗi đau, những tổn thương ùa về. Không ai đủ tư cách đứng ra phân xử cho câu chuyện của họ cả. Những nỗi đau bị đào bới thức dậy chỉ đau thêm lần nữa chứ đâu dễ chịu hay nhẹ lòng hơn. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ còn chịu bẽ bàng lên tiếng xin lỗi người cũ như trường hợp Xuân Lan đấy thôi. Hay nhiều cái tên nghệ sĩ khác như: Ưng Hoàng Phúc, Thái Hoà... bất ngờ bị dư luận soi mói trách móc sau khi "người xưa" của họ lên sóng truyền hình tâm tình chuyện quá khứ.
Những gì thuộc về quá khứ hãy để nó chôn chặt trong quá khứ. Câu chuyện sau ánh hào quang của người nghệ sĩ quả muôn màu muôn vẻ nhưng không phải lúc nào cũng nên bộc bạch, phơi bày khi câu chuyện ấy liên quan đến cuộc sống của quá nhiều con người. Có thể, câu chuyện người nghệ sĩ chia sẻ sẽ là món ăn tinh thần "ngon và lạ" cho nhiều người nhưng lại là vết cứa vào trái tim của những người khác. Xin mượn vài câu thơ của danh hài Hoài Linh về đời người nghệ sĩ cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng khi cánh màn nhung khép lại, chỉ mình mình gặm nhấm nỗi buồn thay vì thổ lộ như một lời cảnh tỉnh cho những ai vẫn muốn đem giọt nước mắt của cuộc đời để đổi tiếng cười cho khán giả dù sân khấu đã hạ màn từ lâu:
"Bán cười cho thiên hạ
Mua tiếng khóc cho mình
Khóc cho kiếp nhân sinh
Cười trần gian bạc bẽo
Khóc những khi lạnh lẽo
Cười những lúc đớn đau
Khóc cho kiếp tằm dâu
Cười trò đời tráo trở
Khóc những khi lầm lỡ
Cười những lúc đắng cay
Ba vạn sáu nghìn ngày
Chỉ một đôi cười khóc".