Hơn nửa tháng qua, cụm từ hoa hậu và cái tên Huỳnh Trần Ý Nhi bỗng chốc trở thành những chủ đề được bàn tán sôi nổi bậc nhất trên mạng xã hội.
- Diễn biến mới cuộc làm việc giữa Công ty Sen Vàng và Sở VH-TT Bình Định: 'Số phận' chiếc vương miện hoa hậu của Ý Nhi thế nào?
- Bị 'ai đó' hủy kết bạn sau phát ngôn 'tước vương miện' của Ý Nhi, NTK Đỗ Mạnh Cường chính thức tham gia group anti-fan, gửi lời chào đến 'cả nhà yêu'
"Lạm phát" các cuộc thi nhan sắc - Khi hoa hậu trở thành "1 nghề"
Những năm gần đây, khi mà các cuộc thi nhan sắc bắt đầu được quan tâm, chú ý hơn thì theo truyền thông thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 30 cuộc thi với 30 Hoa hậu và hơn 60 Á hậu, cùng hơn 300 Người đẹp đạt các giải phụ.
Nếu như quay trở lại cách đây 10 - 15 năm, khi đó hoa hậu được xem là danh xưng cao quý bao hàm các phẩm chất xinh đẹp, thông minh, nhân hậu. Thế nhưng nhìn vào thực tế những năm gần đây, hoa hậu như "nấm sau mưa", nhiều đến mức chả khán giả nào còn nhớ nổi ai đã từng đăng quang cuộc thi Hoa hậu nào.
Thậm chí, theo nhiều người, chúng ta đang ở trong thời kỳ "lạm phát" hoa hậu. Việc đạt vương miện tại 1 cuộc thi nhan sắc được ví von như "trúng tuyển CV" khi đi xin việc.
Trong 1 phóng sự mới đây của VTV, BTV Hiền Thư đã sử dụng cụm từ "được mùa nhưng mất giá" để bình luận về sự "trỗi dậy" của các cuộc thi hương sắc. Lý giải cho cụm từ này, từ 1 bài phân tích trên VnExpress, nhận định: "Một trong những vấn đề nổi lên của các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam là tiêu chuẩn vẻ đẹp hạn chế, thường tập trung vào vẻ ngoài bề ngoài và cân đo chỉ số cơ thể làm thước đo để đánh giá. Điều này đã tạo ra một góc nhìn chưa đầy đủ và chính xác về vẻ đẹp thực sự và giá trị của người phụ nữ Việt Nam. Các cuộc thi hoa hậu thường đánh giá vẻ ngoài dựa trên tiêu chí cụ thể như chiều cao, cân nặng, số đo ba vòng, và đôi khi không có sự đánh giá sâu hơn về tính cách, kiến thức và khả năng giao tiếp của thí sinh. Điều này góp phần tạo ra hình mẫu không thể đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi và sự đa dạng của xã hội ngày nay", hay nói cách khác, 1 số cuộc thi hoa hậu hiện nay chỉ đang tập trung vào "lượng" nhưng chưa có "chất".
Sự cố "dại miệng" của Ý Nhi là "giọt nước tràn ly"?
Nhìn vào 1 số hoa hậu đăng quang những năm gần đây, dễ dàng nhận thấy không ít trong số đó "đẹp" nhưng chưa "khéo". Không ít người đẹp có những phát ngôn không đúng mực và để lộ sự thiếu hụt về kiến thức xã hội khiến dư luận ngán ngẩm. Trước Ý Nhi, những hoa hậu như Lê Âu Ngân Anh, Thùy Dung cũng từng bị chỉ trích gay gắt vì “vạ miệng”. Thậm chí hoa hậu Liên Lục Địa - Bảo Ngọc, dù được khen học thức đỉnh nhưng cũng từng "muối mặt" vì bị chê thiếu tinh tế, tự mãn về danh xưng quốc tế mà lấn lướt hoa hậu Mai Phương.
Tuy nhiên, có lẽ đến Ý Nhi, cuộc kêu gọi "thanh trừng" hoa hậu mới bùng nổ mạnh mẽ đến vậy. Tại thời điểm đăng quang chưa tới 10 ngày, tân Miss World Vietnam đã sở hữu nhóm anti hơn 600.000 thành viên. Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng của cá nhân cô, ban tổ chức cuộc thi mà là cả làng hương sắc Việt. Việc khán giả tức giận có đơn thuần chỉ vì sự thiếu khiêm tốn trong những câu trả lời của người đẹp gốc Bình Định hay còn vì lý do nào nữa?
Có chăng là bởi, thay vì sử dụng tên tuổi và sự nổi tiếng để thúc đẩy các hoạt động từ thiện, góp phần xây dựng xã hội, Ý Nhi lại bắt đầu nguỗi ngày đương nhiệm bằng việc xây dựng hình ảnh cá nhân "ngập thị phi".
Những phát ngôn vạ miệng của Ý Nhi vô tình còn trở thành trend để dân mạng chế diễu trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Cụ thể, trong buổi trò chuyện với truyền thông sau khi đăng quang, khi nhắc đến bạn trai, “nàng hậu” nói: "Bạn trai phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi". Đa số khán giả cho rằng cô đang quá đề cao bản thân, đòi hỏi người yêu phải thay đổi vì mình. Chưa kể trước đó, người đẹp còn gây sốc khi nói về bạn bè đồng trang lứa: "Trong khi bạn bè đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, chơi, uống trà sữa, đi cà phê cùng mọi người thì tôi đã tham gia cuộc thi hoa hậu, trưởng thành hơn. Khi tôi có trọng trách lớn như vậy thì cũng phải biết giữ mình hơn để phù hợp với cương vị của mình".
Hay bùng nổ hơn là khi được yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định, người đẹp hồn nhiên nói: "Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung". Chưa kể sau đó, dân mạng khui ra một loạt những màn cà khịa bá đạo của nàng hậu với nhiều người nổi tiếng khác cũng như những ứng xử bị nhận xét là kém văn minh, tự mãn của Ý Nhi.
Vậy thi hoa hậu để làm gì?
Suy cho cùng, thi hoa hậu hiện nay chỉ là những cuộc thi nhan sắc đơn thuần với tiêu chuẩn về gương mặt, số đo 3 vòng, mang tính giải trí nhiều hơn. Sau rất nhiều cuộc thi, rất nhiều Hoa hậu mất hút. Nếu không mất hút, có thể họ đang bận làm người mẫu hoặc Tiktoker. Vậy có chăng, mang trên mình danh xưng cao quý chỉ để nâng giá trị bản thân, làm đẹp profile cá nhân?
Tuy nhiên, đã đến lúc phải nhìn lại các cuộc thi hoa hậu, người đẹp và có những quy chế riêng nhằm để danh xưng thực sự mang giá trị và ý nghĩa cho xã hội, cộng đồng.