Không chỉ Khá Bảnh và những giang hồ mạng, chính trong giới nghệ sĩ cũng có không ít người đang kiếm tiền và cầu danh với những sản phẩm đậm chất giang hồ, bạo lực trên YouTube.
- Vượt mặt phim Trấn Thành, “Hai Phượng” lập kỷ lục doanh thu cao nhất lịch sử
- NSX "Hạnh phúc của mẹ" sốc nặng khi phim bị tẩy chay vì scandal của diễn viên
Câu chuyện về Khá Bảnh và những giang hồ mạng làm dậy sóng dư luận những ngày gần đây. Nhiều người đặt thắc mắc tại sao những clip vô bổ, tục tĩu, giang hồ xăm trổ lại có thể gây bão với hàng triệu lượt xem, thường xuyên lọt top trending của YouTube trong khi những video, sản phẩm nghệ thuật có thông điệp lại kén người xem.
Đạo diễn Vũ Lâm cho rằng YouTube "thượng vàng hạ cám", điều hay không ít nhưng cái dở cũng ngập tràn. Anh nhận định giới nghệ sĩ cần chung tay làm những sản phẩm chất lượng, vừa sáng tạo vừa có giá trị về nghệ thuật, góp phần đẩy lùi giới giang hồ mạng. Bởi lẽ, "khi ăn món ngon, người ta sẽ nhận ra món dở".
Nhưng nghịch lý là ở chỗ, chính giới showbiz trên YouTube với webdrama, phim ca nhạc cũng đang tràn ngập hình ảnh bạo lực, giang hồ, cave, xăm trổ. Chất lượng, nội dung và sự đầu tư tuy vượt xa giới giang hồ mạng, nhưng mục đích kiếm tiền nhanh là không thể phủ nhận, nhất là trong môi trường đang được cho là dung dưỡng cho bạo lực như YouTube.
Web drama tràn ngập hình ảnh giang hồ, cave, bạo lực
Thời gian gần đây, web drama (phim trực tuyến) bùng nổ trên YouTube. Không được xem là sản phẩm chính thống, nhưng loại hình này lại "làm mưa làm gió" trên thị trường và thực sự là một "mỏ views".
Web drama thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nội dung phim tương đối đa dạng từ cung đấu đến tình yêu. Nhưng số lượng áp đảo hơn cả là những phim có yếu tố giang hồ, bạo lực.
Đầu tiên phải kể đến là Thập Tam Muội của Thu Trang - Tiến Luật với nhiều tập liên tiếp phát hành vào năm 2018. Phim tập trung khai thác những câu chuyện của thế giới ngầm cùng cuộc chiến không hồi kết của các bậc đàn anh, đàn chị trong xã đoàn.
Tuy có lồng ghép yếu tố hài nhưng vì là theo đuổi chủ đề "xã hội đen", phim có nhiều cảnh đánh đấm, bạo lực. Xét về thông điệp, phim khai thác góc tối của thế giới ngầm từ mại dâm đến kinh doanh quán bar. Nhưng nhìn chung, thông điệp này bị cho là hời hợt. Dù vậy, phim có lượt xem "khủng" trên YouTube, tập 1 của web drama này thu hút tới 41 triệu lượt xem.
Thành công của Thu Trang góp phần khiến xu hướng làm web drama giang hồ bùng nổ. Ngay sau Thập Tam Muội là phim Vi Cá tiền truyện, một sản phẩm của Quách Ngọc Tuyên với mạch truyện diễn ra trước khi câu chuyện trong Thập Tam Muội bắt đầu.
Sau đó không lâu, Việt Hương cũng tham gia cơn bão web drama với một phim về đề tài giang hồ, thế giới ngầm là Chết thì chịu. Việt Hương đóng làm “bà trùm”. Phim chủ yếu nhấn vào hài, cảnh bạo lực không nhiều như phim Thập Tam Muội nhưng cũng lắm "thanh niên" xăm trổ, gân guốc.
Không chỉ dừng ở năm 2018, đến năm 2019, phim về đề tài giang hồ trên YouTube vẫn tiếp tục bùng nổ. Cuộc đua web drama có thêm cái tên mới là Nam Thư.
Nam Thư vốn làm phim cổ trang, nay chuyển sang hướng bạo lực, giang hồ với phim Thập Tứ cô nương. Thập Tứ cô nương đã ra được 3 tập, và cũng thường xuyên xuất hiện trong top trending của YouTube.
Như một hình thức bắt "trend", Nam Thư thậm chí ghi luôn trên nhan đề phim là "phim giang hồ", không một chút né tránh. Sản phẩm có sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng nhưng phần đa vào vai giang hồ xăm trổ, anh chị. Bản thân nữ nghệ sĩ cũng đóng chị đại xuất thân làng chơi.
Thập Tứ cô nương vẫn đang tiếp tục sản xuất những phần tiếp theo. Trong khi đó, Thu Trang - Tiến Luật đã ra mắt bản điện ảnh được cho là phần kết của Thập Tam Muội với tên gọi Chị mười ba.
Mới đây, đạo diễn Mr. Tô thông báo trên trang cá nhân là anh sẽ bắt tay vào sản xuất Giang hồ Chợ Mới tiền truyện trong thời gian tới. Nội dung được cho là câu chuyện trước thời điểm của Giang hồ Chợ Mới. Cơn sốt web drama bạo lực, giang hồ vẻ như vẫn chưa thể dừng lại.
Ca nhạc cũng phải gắn với giang hồ, đánh đấm
Không chỉ phim trực tuyến của giới diễn viên, phim ca nhạc của nhiều ca sĩ trên YouTube cũng xây dựng nội dung giang hồ, bạo lực, đánh đấm. Những cái tên có thể kể đến là Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ (Ưng Hoàng Phúc), Người trong giang hồ (Lâm Chấn Khang), Thiếu niên ra giang hồ (Hồ Quang Hiếu),...
Trong đó, Người trong giang hồ phần 6 thậm chí lọt danh sách 10 video nổi bật nhất thế giới, được YouTube Rewind công bố ngày 6/12/2018. Dù nội dung của phim ca nhạc bị nhiều người đánh giá là nhảm, rẻ tiền, vô bổ, nhạc chợ nhưng sản phẩm vẫn có lượt xem "khủng".
Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ của Ưng Hoàng Phúc cũng tương tự. Thời lượng một tập phim tương đương với các web drama khác. Phim ca nhạc này được chia làm nhiều tập. Nam ca sĩ thể hiện ca khúc trong sản phẩm, nhưng âm nhạc không đóng vai trò quan trọng nhất, thay vào đó là câu chuyện giang hồ, đánh đấm.
Sản phẩm được giới thiệu là ẩn chứa nhiều thông điệp về tình nghĩa anh em, con người, tuy nhiên không khó để nhận ra tính thông điệp mông lung, trong khi những hình ảnh bạo lực lấn át. Phim đầu tư lớn về hình ảnh, diễn xuất, dàn dựng nhưng âm nhạc lại dừng ở mức trung bình.
Trường hợp của Hồ Quang Hiếu cũng không nhiều khác biệt. Thiếu niên ra giang hồ có 3 phần được giới thiệu là phim ca nhạc, âm nhạc được lồng ghép với câu chuyện về một giang hồ phạm tội.
So với các phim ca nhạc khác, sản phẩm của Hồ Quang Hiếu ít cảnh bạo lực hơn, chú trọng câu chuyện hơn. Nhưng cũng không thể coi đây là một sản phẩm nghệ thuật chất lượng.
Rõ ràng, ngoài xu hướng làm phim ca nhạc drama, tình tay ba, tay tư, một mảng nội dung khác liên quan đến chủ đề giang hồ cũng đang được nhiều ca sĩ ưa chuộng. Thông thường đó là những "ngôi sao nhạc chợ", lượng fan không hề nhỏ.
Nhìn chung, âm nhạc ở các sản phẩm này không được đánh giá cao. Ca từ dễ nghe, na ná nhiều ca khúc khác. Dù mang danh nghĩa phim ca nhạc hàng triệu lượt xem, đôi khi bài hát trong phim không thể thành hit, không thể gây bão.
Thay vào đó, phim chủ yếu thu hút người xem vì câu chuyện chân dung của một giang hồ nào đó. Thông điệp, ý nghĩa không phải không khó, song nhìn chung gượng ép, mơ hồ và thiếu thuyết phục.
Đáng nói là phần lớn phim ca nhạc về chủ đề này đều có chữ "giang hồ" trong tên phim, như một từ khóa thu hút sự chú ý của công chúng.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hơn, nhiều fan hơn, thậm chí giàu có hơn nhờ những web drama, phim ca nhạc giang hồ. Nhưng, là khán giả đại chúng hiện nay chỉ thích sản phẩm giang hồ, bạo lực hay chính giới nghệ sĩ đang lạm dụng những hình ảnh kiểu này để câu views và kiếm tiền nhanh, không cần quan tâm đến chất lượng nghệ thuật? Thắc mắc này có lẽ đã đến lúc cần giải mã.