Trong phiên hoà giải lần 1 tại toà, đại diện HTV và nhà sản xuất Sau ánh hào quang - Đông Tây đã có buổi gặp mặt đầu tiên với danh hài Duy Phương.
- Lê Giang tiều tụy và suy sụp hoàn toàn sau ồn ào với Duy Phương: 'Ước gì được ngủ một giấc thật dài'
- Phản ứng của Lê Giang khi chồng cũ Duy Phương tuyên bố khởi kiện
Chia sẻ với chúng tôi, luật sư Nguyễn Quốc Cường - người đại diện danh hài Duy Phương trong vụ kiện nhà đài HTV và nhà sản xuất Sau ánh hào quang - cho biết, ngày 1.2, anh và đại diện đôi bên đã có mặt tại Toà án Nhân quận 1, TP.HCM theo quyết định hòa giải của tòa.
"Đây là lần gặp đầu tiên giữa Duy Phương với đại diện nhà đài HTV và nhà sản xuất Sau ánh hào quang. Theo lịch của toà đây là buổi hoà giải. Tuy nhiên, đại diện phía HTV và Đông Tây chỉ mới làm thủ tục tố tụng và nộp những hồ sơ của người đại diện. Do thiếu bản khai nên phiên hoà giải hoãn" - luật sư Quốc Cường nói.
Sắp tới, toà sẽ gửi thông báo hoà giải lại nhưng chưa có thời gian cụ thể. Trong buổi tiếp xúc, phía Đông Tây muốn thương lượng hoà giải. Trong khi đó, đại diện HTV không có động thái nào khác. Bên cạnh đó, do chưa có bản khai cụ thể nên phía Duy Phương chưa hiểu được nguyện vọng đôi bên ra sao.
"Họ chỉ đến nộp thủ tục xong rồi về. Duy Phương và người đại diện nhà đài, nhà sản xuất vẫn nói chuyện bình thường" - vị luật sư nói.
Sau ồn ào Lê Giang lên sóng truyền hình tố chồng cũ đánh đập, bạo hành, ném từ cầu thang xuống... danh hài Duy Phương bác bỏ thông tin với giới truyền thông. Ngày 11.12.2017, ông và luật sư Nguyễn Quốc Cường - đoàn luật sư TP. HCM đã gửi đơn kiện Đài Truyền hình TP.HCM - HTV và nhà sản xuất Sau ánh hào quang - công ty Đông Tây Promotion về việc đưa thông tin một chiều, không kiểm duyệt gây ảnh hưởng cuộc sống, danh dự người khác. Đơn khởi kiện yêu cầu rõ hai đơn vị này phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, hòa giải là thủ tục cần thiết trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Theo đó, nếu sau 2 lần hòa giải đôi bên không tìm được tiếng nói chung, tòa sẽ đưa vụ việc ra xét xử.
Trao đổi với phóng viên, nghệ sĩ Duy Phương bày tỏ: “Thật sự, tôi không muốn sự việc đi quá xa. Tôi mong muốn nhà đài và nhà sản xuất thấy được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất, đưa tin lên sóng truyền hình một chiều, thiếu tính xác thực, gây ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống người khác. Nếu không thoả đáng, tôi sẽ để toà giải quyết theo quy định pháp luật”.
Về đơn khởi kiện, luật sự Nguyễn Quốc Cường cho biết anh dựa vào Điều 20, 21 Hiến pháp 2013, Điều 34, 38 Bộ luật dân sự 2015 và đưa ra 4 yêu cầu cho phía bị kiện như sau:
- Hai đơn vị là Đài Truyền hình TP.HCM – HTV và công ty giải trí Đông Tây Promotion phải bác bỏ thông tin liên quan đến chuyện cá nhân, đời sống riêng tư của nghệ sĩ Duy Phương.
- Hai đơn vị liên quan phải công khai xin lỗi và cải chính thông tin với công chúng; liên đới thu hồi những sản phẩm báo chí liên quan đến Duy Phương từ chương trình Sau ánh hào quang.
- Bồi thường thiệt hại uy tín, danh dự và nhân phẩm nghệ sĩ Duy Phương.
Điều 21, khoản 1, Hiến Pháp 2013 quy định:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Tại điều 34, Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ:
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Điều 38, Bộ luật dân sự 2015 quy định:
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.