Đại diện Bộ VHTTDL cho biết vào chiều muộn ngày 6.11, Bộ đã ra văn bản đề nghị tạm dừng tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, đồng thời cử đoàn thanh tra làm việc với BTC cuộc thi.
- Sau phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến Hoa hậu Hoàn vũ, Phan Anh chính thức gửi lời xin lỗi
- Bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017: Ngán ngẩm trước những thí sinh có vòng eo dư mỡ, chảy xệ vẫn lọt vào chung kết
Văn bản này thực hiện Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 1.11.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và căn cứ tình hình thực tế.
Tại văn bản, Bộ VHTTDL đề nghị UBND Khánh Hòa phối hợp, chỉ đạo Công ty Cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn và BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 tạm hoãn tổ chức các phần thi trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 cho đến thời điểm khắc phục xong hậu quả thiên tai, mưa lũ tại địa phương đăng cai. Bên cạnh đó, chủ động báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa và Bộ VHTTDL trước khi triển khai tổ chức tiếp các phần thi.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cử đoàn thanh tra làm việc với BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Căn cứ vào kết quả làm việc và nghe BTC báo cáo cụ, Cục mới có thể đưa ra kết luận.
Trước đó, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đã nhắc nhở BTC về kế hoạch tổ chức đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam sao cho phù hợp với thực tế hiện nay tại địa phương, nhất là khi một số tỉnh miền Trung sắp có bão đi qua.
Tối ngày 4.11, bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Tuy nhiên, đêm bán kết đã diễn ra không được thuận lợi bởi ảnh hưởng bởi trận bão lớn nhất Nha Trang 20 năm qua.
Bão số 12 với sức gió trên 100 km/h đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa cùng tối hôm đó đã để lại nhiều thiệt hại lớn về người và tài sản. Do điều kiện thời tiết bất lợi nên đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ 2017 tổ chức tại Nha Trang diễn ra chậm hơn một tiếng so với lịch ban đầu.
Tại hiện trường, nhiều thí sinh đã phải trang điểm trong bóng tối. Công tác chuẩn bị cũng bị ảnh hưởng đáng kể do mất điện. Ban tổ chức (BTC) đã phải rất cố gắng mới có thể bắt đầu chương trình vào lúc 21h, ổn định vị trí khán giả.
Nhiều cư dân mạng và cả nhà báo, nghệ sĩ cho rằng việc cố tổ chức tại vùng vừa qua tâm bão là sự mạo hiểm và không hợp lý của BTC. Theo họ, thời gian này nên đầu tư cho việc khắc phục hậu quả trận bão.
Viết trên trang cá nhân, nhà báo Ngô Nguyệt Hữu cho rằng: "Việc Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp một chương trình giải trí như vậy trong hoàn cảnh bão lũ là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được", và phân tích thêm: "Nếu từ chối trực tiếp chương trình vì lý do bão lũ, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ có được rất nhiều thứ".
Đồng quan điểm với nhà báo Ngô Nguyệt Hữu nhà văn Sương Nguyệt Minh không chỉ chỉ trích BTC mà còn thẳng thắn đặt câu hỏi bức xúc gửi tới Đài Truyền hình Việt Nam.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh viết: “Trong lúc bão mưa từ biển vào miền Trung mù trời. Cả nước nháo nhác lo lắng cho miền Trung và tập trung mọi tình cảm, hành động có thể cho nhân dân miền Trung giảm thiệt hại thấp nhất, thì người ta vẫn nhởn nhơ, sung sướng, tung tăng, hớn hở, tràn ngập niềm vui tổ chức Cuộc thi bán kết Hoa hậu Hoàn vũ 2017 diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hoà lại được Đài truyền hình Việt Nam (VTV6) tường thuật trực tiếp (4.11) bão đổ bộ vào Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung. Bão cấp 12 giật cấp 14, cây cối, cột điện đổ ngổn ngang. Tôn bay vù vù, rạ bổi bị cuốn phăng, tốc mái, nhà đổ, người chết. Mười phần tang thương cả mười phần.Đành rằng người ta tổ chức thi hoa hậu kiếm tiền thì đã đi một nhẽ, nhưng Đài truyền hình Việt Nam đường đường phương diện quốc gia sao không biết dừng phát sóng trực tiếp cuộc thi để phản ánh công cuộc chống bão và nỗi thương đau của đồng bào? Bao nhiêu người lo lắng, và đã nghĩ đến chuyện quyên góp ủng hộ đồng bào bị đắm thuyền, bị nhà đổ, bị người chết... ngay từ khi bão đang lững lững tiến vào và quần nát đất liền. Cần phải nghĩ được rằng: Mỗi lần bão mưa, lũ lụt thì thiệt hại vật chất vô cùng lớn, và người chết nhiều, đau thương chẳng khác gì... quốc tang. Và thực tế, cơn bão số 12 đã làm hàng vạn ngôi nhà tốc mái, hoặc đổ nát, hơn 50 người bị chết; tàu bè, hoa màu, cây cối, các công trình khác bị hủy hoại, thiệt hại không tính nổi. Tan hoang, thê lương, thực sự như đất nước đang... quốc tang. Quốc tang thì không nên đàn ca sáo nhị, hò hát, khoe mông, ưỡn ngực...Nơi này nhảy nhót, reo vui; chỗ kia khóc hời, hãi hùng, lo lắng... có cám cảnh không?
Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam có biết UBND Tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Đài truyền hình tỉnh nhà dừng phát sóng trực tiếp Lễ hội Dinh Thầy Thím là lễ hội lớn nhất của tỉnh, trong khi mọi thứ đã sẵn sàng, để hướng ống kính quay phim vào những thân phận người nhỏ nhoi đang gồng mình chống chọi với cơn bão số 12 dữ dằn, với thiên nhiên hung bạo?
Các vị lãnh đạo Đài truyền hình quốc gia ơi! Đài TH của địa phương thì hướng góc quay vào thân phận người yếu đuối đầy nước mắt, Đài TH của trung ương thì chĩa ống kính vào nỗi vui sướng, nhảy nhót tưng bừng trong đêm giông bão. Có phải một đằng thì nhân văn, một bên thì vô cảm?”