Giống như người Kinh, văn hóa đón tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc cũng có rất nhiều nét độc đáo.
- Đi chợ tết - nét đẹp trong văn hóa ngày tết người Việt
- Tổng hợp thơ chúc tết bạn bè hay nhất bằng tiếng Anh và tiếng Việt
Mỗi dịp tết đến xuân về, đồng bào các dân tộc Việt Nam cũng có rất nhiều hoạt động đón tết đặc sắc, góp phần làm cho văn hóa đón tết cổ truyền của người Việt thêm phần phong phú.
1. Người H'mông với tục vỗ mông
Vào dịp Tết, thanh niên trai gái H'mông thường hay tụ tập dưới chân núi để vui Xuân. Khi người con trai thích người con gái nào đó, sẽ vỗ mông cô gái và dắt tay tìm chỗ tâm tình thâu đêm suốt sáng.
Ngoài ra, lễ hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc) trong ngày Tết là lễ hội lớn nhất trong năm và thể hiện nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người H'Mông. Lễ hội diễn ra rất nhiều hoạt động văn hoá như ném pao - một trong những trò người H'Mông rất thích, múa khèn, múa ô, hát ống, hát giao duyên...
2. Người Thái gọi hồn vào dịp Tết
Người Thái có khoảng hơn 1 triệu người, thường phân bố ở các tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Hòa Bình,… Nói về nét độc đáo trong phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi thì không thể bỏ qua những phong tục trong ngày Tết của dân tộc Thái.
Theo đó, vào tối 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình sẽ thịt 2 con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn cho những người trong nhà. Đồng thời, mỗi gia đình phải có các món ăn như cơm mới, cơm đồ xôi, cơm cốm, cá chua, thịt hươu, măng khô, nai khô,… Ngoài ra, những chiếc bánh chưng họ làm cũng rất đặc biệt, được chia thành 2 loại trắng và đen, được cho thêm một ít vừng xay nhuyễn để mùi vị của bánh được thơm ngon hơn.
Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành viên trong nhà, bó chặt một đầu với nhau rồi vắt lên vai. Tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng và gọi hồn. Sau khi gọi khoảng 2-3 lần, thầy cúng về chân cầu thang của gia đình này gọi thêm một lần nữa. Cuối cùng, thầy cúng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên của gia đình đó để trừ tà ma.
Bên cạnh đó, vào đêm giao thừa, đồng bào Thái còn có tục “Pông Chay”, nghĩa là mọi người sẽ không ngủ mà quây quần bên bếp lửa, cùng nhau ăn uống và trò chuyện để cùng nhau trải qua khoảnh khắc thiêng liêng đó. Trong nhà đèn luôn thắp sáng, nhang không được tàn. Đúng thời khắc giao thừa, đặt đồ cúng tại bàn thờ ma nhà, gia chủ khăn mũ chỉnh tề, kính cẩn đọc bài cúng “Chào đón tổ tiên xuống tề tựu”.
3. Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may
Một điều đặc biệt là Tết của dân tộc H’Mông có hệ lịch riêng, họ ăn Tết trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 30/11 âm lịch. Tuy nhiên, hiện nay, đa số đồng bào H’Mông đã ăn Tết cổ truyền như người Kinh, trừ một phần nhỏ người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì theo hệ lịch của họ.
Người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang quan niệm rằng thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì cho năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay lấy những vật có giá trị.
Với người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn thường sẽ lấy trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn với người Lô Lô ở Mèo Vạc thì số may mắn là số 3, có thể lấy trộm 3 củ tỏi, 3 lá rau.
Điều thú vị là khi đi lấy trộm vào đêm giao thừa, họ sẽ không rủ nhau mà lặng lẽ không để chủ nhà bắt được.
4. Người Giẻ Triêng với phong tục dính tro và ném xôi lên mái nhà
Cứ mỗi 26, 27 tháng Chạp mỗi năm, những thanh niên trai tráng Giẻ Triêng sẽ rủ nhau lên rừng đốn củi để đốt và mang tro về nhà. Những người còn lại ở nhà sẽ chuẩn bị nấu xôi và nắm vào các cây khô rồi đốt thành than. Số tro này sẽ tập hợp lại rồi tung lên cao, mọi người tập trung thành đám phía dưới để hứng tro được càng nhiều thì may mắn và hạnh phúc trong năm tới sẽ càng lớn.
5. Người Dao với phong tục Tết nhảy
Với quan niệm ngày Tết, mùa xuân là dịp để bà con buôn làng vui chơi, thăm hỏi và chúc nhau một năm mới tốt lành nên ở các tộc người Dao đã xuất hiện tục Tết Nhảy để thể hiện hết những mong ước trên. Không chỉ mang đến một năm mới tràn ngập sức sống, Tết Nhảy còn giúp người Dao được dịp rèn luyện thể chất dẻo dai, cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những vụ mùa mới đang chờ đợi ở phía trước.
Những người tham gia Tết Nhảy sẽ tham gia hết mình không kể ngày đêm, ai kiệt sức thì nghỉ ngơi để hồi lại và tiếp tục cuộc vui. Mỗi dịp Tết Nhảy mọi người sẽ múa, nhảy lần lượt hàng trăm điệu khác nhau trên nền tiếng chuông, trống rộn rã sức xuân.
6. Người Cao Lan với phong tục dán giấy đỏ
Một số nơi trong nhà của người Cao Lan như cửa nhà, cổng ra vào, chuồng gia súc,... đều được dán giấy đỏ trước Tết 2 ngày. Với màu đỏ rực rỡ, phong tục này của người Cao Lan với hy vọng có được may mắn, hạnh phúc và nhiều điều tốt đẹp trong năm tới, một năm tài lộc đầy nhà, an khang thịnh vượng.
7. Người Tày với phong tục lấy nước mới
Dân tộc Tày rất xem trọng ngày Tết cổ truyền, bắt đầu từ những ngày 25 – 26 tháng Chạp, không khí rộn ràng đã tràn ngập khắp mọi nẻo đường. Các gia đình nô nức chuẩn bị nguyên liệu để làm các loại bánh, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh bản làng cho phong quang sạch sẽ.
Đặc biệt nhất phải kể đến ngày mùng 1, vào thời điểm 3h sáng trở đi, người Tày có phong tục lấy nước mới. Theo họ, nước đầu năm rất sạch, nhất là nước suối, nước nguồn, nước sông, ai lấy trước sẽ được nước sạch hơn. Chính vì vậy, các thanh niên trong gia đình thi nhau chạy nhanh để lấy nước mới về nhà.
Vào ngày mùng 1, mọi người trong gia đình quây quần ăn cơm, uống rượu, diện quần áo đẹp. Gia đình nào cũng mong có quý nhân là đàn ông vía tốt, tử tế đến chúc Tết, còn người phụ nữ ở nhà làm cơm mời khách.
Có thể nói, ngày Tết là dịp để lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, đậm tính nhân văn của một dân tộc nói chung và cũng là thời điểm gìn giữ những giá trị của mỗi vùng miền nói riêng. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về thói quen cũng như các công đoạn chuẩn bị chào đón năm mới của các anh em dân tộc trên đất nước Việt Nam nhé! Đồng thời cũng xin gửi lời chúc đến mọi miền tổ quốc ta, có một mùa tết thật may mắn và nhiều niềm vui!