Em T.G.H. (học sinh lớp 6 trường Phan Đình Phùng) chẳng may bị trượt chân, ngã xuống hồ sâu. Hai em còn lại hốt hoảng chạy đi kêu cứu.
- Tình hình sức khỏe của thầy giáo trong vụ việc cô giáo tử vong do rơi xuống vực ở Hà Giang
- Nghệ An: Hai bé gái tử vong thương tâm khi đi bắt ốc ở khe suối
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, ngày 7/5, ông Nguyễn An Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, xác nhận xảy ra vụ việc nữ sinh lớp 6 đuối nước tại một công trình trên địa bàn.
Theo ông Hòa, khoảng 16 giờ ngày 6/5, ba nữ sinh sau khi đi thi về đã đến chơi tại hồ nước của công trình thu trữ nước dưới đất tại thôn Hòa Thủy.
Lúc này, em T.G.H. (học sinh lớp 6 trường Phan Đình Phùng) chẳng may bị trượt chân, ngã xuống hồ sâu. Hai em còn lại hốt hoảng chạy đi kêu cứu. Tuy nhiên, hồ nước quá sâu nên người dân không cứu được em H.
Chính quyền đã nhờ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng Lữ đoàn Đặc Công nước 5 đến hiện trường tìm kiếm. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã vớt được thi thể nạn nhân.
Hồ nước xảy ra vụ đuối nước thuộc gói thầu số 20 công trình thu trữ nước dưới đất để phát triển nông, lâm nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh bền vững trên vùng đất khô hạn ven biển Ninh Thuận.
Tuy nhiên, công trình này hiện đang bỏ hoang, không một bóng người. Xung quanh hồ nước xảy ra vụ việc có tường bao cao khoảng 2m đang xây dựng dang dở. Con đường đi xuống khu vực hồ không có rào chắn, người dân đi lại tự do. Phía bên ngoài, nhà điều hành dự án bỏ hoang từ lâu, nhiều ống cống bỏ lăn lóc.
Một người dân cho hay hồ nước này được thi công sâu hơn 10m, rất nguy hiểm.
“Trước đây, công nhân đang thi công thì họ cấm không cho người dân đến khu vực này. Tuy nhiên, các công nhân đã rời đi từ trước tết Nguyên đán nên thường có người đến câu cá và trẻ em đến tắm” - người dân này cho hay.
Trước đó, một trường hợp tương tự cũng xảy ra tại tỉnh Nghệ An. Cụ thể, theo thông tin từ báo Công Thương, khoảng 9h sáng 23/4, cháu V.Đ.Q (9 tuổi) trú tại phường Quỳnh Xuân được nghỉ học và rời nhà đi chơi. Trưa cùng ngày, không thấy em Q. trở về nhà nên người thân đã tổ chức tìm kiếm.
Đến 14h chiều 23/4, người thân bàng hoàng phát hiện thi thể em tại một hố nước công trình đang thi công trên địa bàn phường Quỳnh Xuân, cách nhà chưa đến 1km.
“Hố nước này sâu khoảng 1m, thuộc dự án Nhà máy in, thêu Dong A. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân cái chết của em Q.”, vị lãnh đạo phường thông tin.
Người dân địa phương phản ánh, tại khu vực công trình khai thác vật liệu để lại hố nước sâu nêu trên không có biển cấm, không có rào chắn, biển cảnh báo đuối nước.
Tại Nghệ An, hiện có rất nhiều ao, hồ do hoạt động khai thác mỏ để lại nhưng không được quản lý chặt chẽ. Các em nhỏ thường đi vào khu vực này nô đùa, tắm, dẫn đến đuối nước.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra khoảng 50 vụ đuối nước trẻ em và có hơn 30 em bị tử vong do đuối nước, trong đó nhóm 5-16 tuổi chiếm nhiều nhất. Qua thống kê, từ các vụ đuối nước, tỷ lệ đuối nước tại ao nhà, hồ nước gần nhà chiếm gần 40%.
Hiện nay, Nghệ An đang bước vào cao điểm của mùa nắng nóng, nhiệt độ trong ngày có thời điểm lên đến trên40 độ C nên việc các em học sinh sau giờ học thường tìm đến những nơi ao, hồ, sông, suối nô đùa, tránh nóng, vì vậy nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao.
Theo các nhà chuyên môn, ngoài việc tăng cường giáo dục tại nhà trường và gia đình, cần phải tăng cường cắm nhiều biển báo tại những khu vực ao, hồ, sông, suối - nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Bên cạnh đó, cần yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản sau khi mỏ hết hạn khai thác cần hoàn thổ hoặc có giải pháp rào chắn, có bảo vệ túc trực để ngăn chặn những trường hợp đuối nước có thể xảy ra.