Sau sự việc, nhiều người thắc mắc tài xế xe Lexus có thể bị áp dụng chế tài xử lý ra sao theo quy định của pháp luật.
- Nam shipper bị tài xế Lexus đánh tới tấp: Từ khi xảy ra vụ việc, anh chưa nhận được lời xin lỗi, hỏi thăm của người hành hung
- Lời kể của nhân chứng trong vụ tài xế Lexus đánh tới tấp nam shipper: Nạn nhân bị khuyết tật một bàn tay
Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự tài xế Lexus đánh tới tấp nam shipper
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ: Tối 11/2, Công an quận Tây Hồ cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự Tống Anh Tuấn (sinh năm 1982, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.
Cơ quan điều tra xác định khoảng 19h30 ngày 10/2, cơ quan chức năng tiếp nhận đơn trình báo của anh L.X.H. (sinh năm 1994) về việc bị một người đàn ông lái ô tô 5 chỗ nhãn hiệu Lexus dùng chân, tay, mũ bảo hiểm đánh gây thương tích.
Sự việc xảy ra lúc 12h30 cùng ngày trước cửa nhà số 41B ngách 50/310 Nghi Tàm, phường Yên Phụ.
Qua điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ xác định người đánh anh L.X.H. là Tống Anh Tuấn.
Tới 14h ngày 11/2, Tống Anh Tuấn đã đến trụ sở Công an quận Tây Hồ đầu thú, khai nhận vi phạm của bản thân.
Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ va chạm giao thông nhỏ nhưng đã phát sinh mâu thuẫn và dẫn đến việc Tuấn đánh anh H. bằng chân, tay, mũ bảo hiểm gây thương tích.
![Tài xế ô tô Lexus hành hung nam shipper khuyết tật có thể đối diện khung hình phạt nào? - Ảnh 1 Tài xế ô tô Lexus hành hung nam shipper khuyết tật có thể đối diện khung hình phạt nào? - Ảnh 1](https://cdn.phunuvagiadinh.vn/ttam/auto/11_2_2025/tai-xe-o-to-lexus-hanh-hung-nam-shipper-khuyet-tat-co-the-doi-dien-khung-hinh-phat-nao1-2025-02-12-10-00.png)
Tài xế xe Lexus có thể đối diện khung hình phạt nào?
Sau sự việc, nhiều người thắc mắc tài xế xe Lexus có thể bị áp dụng chế tài xử lý ra sao theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ báo Dân Trí: Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận hành vi của Tuấn là rất đáng lên án, gây bức xúc trong dư luận, thể hiện sự nghênh ngang, ngông cuồng, coi thường pháp luật và xuống cấp trong văn hóa ứng xử. Với những hành động đã thực hiện, cần áp dụng chế tài xử lý nghiêm đối với tài xế này.
Bình luận dưới góc độ pháp lý, luật sư cho biết theo dữ liệu camera, người này đã dùng tay, chân và mũ bảo hiểm tấn công vào người, đầu và mặt nạn nhân bằng những động tác mạnh, quyết liệt, dứt khoát. Đây là hành vi rất nguy hiểm, xâm phạm tới sức khỏe của người khác và có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
![Tài xế ô tô Lexus hành hung nam shipper khuyết tật có thể đối diện khung hình phạt nào? - Ảnh 2 Tài xế ô tô Lexus hành hung nam shipper khuyết tật có thể đối diện khung hình phạt nào? - Ảnh 2](https://cdn.phunuvagiadinh.vn/ttam/auto/11_2_2025/tai-xe-o-to-lexus-hanh-hung-nam-shipper-khuyet-tat-co-the-doi-dien-khung-hinh-phat-nao2-2025-02-12-10-00.png)
Do đây là tội danh mang tính định lượng, vấn đề mấu chốt quyết định số phận pháp lý của nghi phạm sẽ là mức độ tổn hại về sức khỏe của nạn nhân. Theo đó, có thể xảy ra các tình huống pháp lý như sau:
Thứ nhất, nếu kết quả giám định cho thấy mức độ thương tật của nạn nhân dưới 11%, cơ quan công an vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự của nghi phạm về tội Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung dùng hung khí nguy hiểm (mũ bảo hiểm) theo điểm a, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt của tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cần lưu ý theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đây là nhóm tội danh thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, để có thể tống đạt các quyết định tố tụng, cần có đơn yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự từ nạn nhân.
Thứ hai, nếu mức độ thương tật từ 11% trở lên, kết hợp với tình tiết định khung dùng hung khí nguy hiểm, tùy thuộc mức độ tổn hại sức khỏe chính xác của nạn nhân, có thể xem xét áp dụng các khung hình phạt tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật này là 2-6 năm tù.
Ngoài ra, luật sư cho rằng còn có thể xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng "có tính chất côn đồ" theo điểm d khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 đối với nghi phạm.
"Dưới góc độ khoa học hình sự, hành vi thuộc nhóm "có tính chất côn đồ" được hiểu là hành vi bao gồm những yếu tố như coi thường pháp luật; luôn phá rối trật tự trị an; sẵn sàng, thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác và vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác.
Còn theo Án lệ số 17/2018/AL, yếu tố được đánh giá có tính chất côn đồ là việc: "chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.
Đối với trường hợp trên, theo thông tin hiện có, vụ việc xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ nhặt là va chạm giao thông, chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nam tài xế sau khi xuống xe đã tấn công nạn nhân một cách quyết liệt, tàn bạo trong khi nạn nhân không có phản kháng. Do đó, có thể xem xét, đánh giá tình tiết có tính chất côn đồ đối với nghi phạm", luật sư cho biết trên báo Dân Trí.
Theo khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, người phạm tội có tính chất côn đồ thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.
Tại Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021, TAND Tối cao tiếp tục đưa ra hướng dẫn thi hành quy định trên. Theo đó, trường hợp người phạm tội bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội có tính chất côn đồ" hoặc tình tiết định khung tăng nặng "phạm tội có tính chất côn đồ" theo quy định của Bộ luật Hình sự thì thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.
Đối với vụ án hình sự có đồng phạm, Tòa án sẽ xem xét, đánh giá tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của từng đồng phạm để xác định có thuộc trường hợp "phạm tội có tính chất côn đồ" hay không.
Như vậy, nếu bị quy kết phạm tội, vụ án không có đồng phạm và hành vi thuộc trường hợp "có tính chất côn đồ", đối chiếu các quy định của pháp luật, Tống Anh Tuấn có thể không được tòa án áp dụng án treo.
Tuy nhiên, trong quá trình vụ việc được giải quyết, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người vi phạm theo Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015 như người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ hay các bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không...
Trong trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên theo Điều 51 và không có thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52, Tòa án có thể căn cứ Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét đưa ra mức án dưới khung hình phạt mà tài xế này có thể bị truy tố.