Sáng sớm 7/10, theo ứng dụng PAM Air, chất lượng không khí nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội ở mức có hại cho sức khỏe.
- Nguyên nhân xe container tông sập nhà dân ở TP.HCM: Tài xế tử vong do mải mê xem iPad khi lái
- Bàng hoàng chiếc taxi chạy tốc độ cao đâm 2 bé gái đi xe đạp điện bị thương nặng
Theo thông tin từ báo Nhân Dân, kết quả số liệu quan trắc của hệ thống AirVisual (sản phẩm của tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ), lúc 8 giờ sáng, tại quận Tây Hồ, chỉ số dao động ở mức từ 168-194 – ngưỡng rất xấu. Cao nhất là điểm đo trên phố Quảng Khánh, với mức độ ô nhiễm không khí đạt 194.
Ở điểm đo tại đường Nam Trung Yên 11 (quận Cầu Giấy), chỉ số này cũng ở mức 190. Các điểm “đỏ” khác ở nhiều quận, huyện cũng xuất hiện khắp nơi.
Đây là nhóm chỉ số được AirVisual xếp vào các trường hợp có hại cho sức khỏe, đồng thời khuyến cáo mọi người cần hạn chế ra ngoài vì có thể bị tác động xấu đến sức khỏe, những người nhạy cảm có thể gặp vấn đề với sức khỏe.
Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng chất lượng không khí của các thành phố lớn trên thế giới do AirVisual thực hiện vào thời điểm 8 giờ sáng ngày 11/8, Hà Nội là thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới với chỉ số trung bình 171, thuộc nhóm Có hại cho sức khỏe.
Trong khi đó, cùng thời điểm, theo hệ thống quan trắc PAM Air, các điểm đỏ cũng liên tục xuất hiện. Điển hình, tại điểm đo tại huyện Đông Anh, chỉ số AQI (một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) lên tới 194. Tại điểm đo quận Ba Đình, AQI đạt 184.
Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, trước điều kiện ô nhiễm, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi thường xuyên chất lượng không khí để bố trí lịch làm việc, vui chơi hợp lý. Người dân phải thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp.
Người dân cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện ô nhiễm đặc thù này. Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho các con ra đường vào thời điểm tan tầm, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi, họng, cổ, tránh các hoạt động ngoài trời quá lâu và không cần thiết.
Đối với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm.Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.