Những vụ việc bạo hành trẻ em tại các cơ sở nuôi dạy, trông giữ trẻ vẫn gia tăng trong thời gian gần đây khiến cộng đồng mạng không khỏi bức xúc.
- Thu hồi giấy phép mái ấm bạo hành trẻ ở TP.HCM: Bảo mẫu được đưa về trụ sở công an, phát hiện số trẻ vượt hơn mức quy định
- 'Vạch trần' cuộc sống của 85 đứa trẻ trong mái ấm Hoa Hồng: Cho trẻ uống thuốc vô tội vạ, bình sữa đặt trên bồn cầu, bữa ăn chỉ có cơm trắng trộn nước tương
Theo thông tin từ báo Đại Đoàn Kết, dựa vào báo cáo của UBND quận 12, từ thời điểm thành lập Mái ấm Hoa Hồng đến nay, UBND quận 12 đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận này phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra 2 lần, vào các tháng 11/2023 và tháng 4/2024.
Tại thời điểm kiểm tra ngày 4/9, lực lượng chức năng quận 12 ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên và 86 trẻ, vượt 47 trẻ so với quy định (39 trẻ). Trong đó, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1-2 tuổi; 31 trẻ từ 3-5 tuổi đang học tại trường Mầm non Sóc Bông; 3 trẻ 6-12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Ngay sau phát hiện các hành vi bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, lực lượng chức năng quận 12 đã đưa toàn bộ số trẻ ở đây vào các Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Làng trẻ em Gò Vấp và một số trẻ được gia đình tiếp nhận… để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Nhiều clip lan truyền có nội dung một bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng có những hành động nghi ngược đãi, đánh đập đối với các trẻ. Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị bảo mẫu ngồi lên người, nhéo lỗ tai, thậm chí có bé bị tác động vật lý đến chảy máu miệng,...Ngay sau đó, công an đã vào cuộc xử lý.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ VTC News, một vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra vào ngày 5/9, UBND phường Ia Kring (TP Pleiku) có báo cáo về một trường hợp trẻ tử vong tại cơ sở nuôi giữ trẻ ở số nhà 57 Trần Nhật Duật. Theo đó, chiều 1/9, Công an phường Ia Kring nhận tin báo của bà Dương Thị Tùng (trú phường Yên Thế, TP Pleiku) về việc con bà là H.D.T.K (5 tuổi) bị bạo hành, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai.
Qua xác minh, cơ quan chức năng bước đầu xác định, cháu K. bị thiểu năng, không nói được. Cháu được gia đình gửi nuôi dưỡng tại nhà 57 Trần Nhật Duật từ tháng 5/2024.
Đến chiều 1/9, cháu K. nhập khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai trong tình trạng mê sâu, môi tím, chi lạnh, mạch không bắt được, da tái, ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn. Trên người cháu có vết xước vùng trán, ít chấm xuất huyết quanh hai mi mắt, ít chấm hai vành tai, bầm tím vùng cằm. Đến khoảng 15h cùng ngày cháu K. được chuyển xuống nhà xác bệnh viện.
Tiếp nhận vụ việc, Công an phường Ia Kring phối hợp Công an TP Pleiku, Viện kiểm sát TP Pleiku và Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) xác minh, củng cố hồ sơ. Hiện hồ sơ vụ việc đã bàn giao cho Đội điều tra tổng hợp - Công an TP Pleiku thụ lý.
Bước đầu, cơ quan công an xác định nguyên nhân trẻ tử vong do bị bạo hành. Kẻ bạo hành là người của cơ sở giữ trẻ này đã thừa nhận hành vi của mình.
Trước đó, theo thông tin từ báo Tri thức và Cuộc sống, vào cuối tháng 4/2024, cô giáo Lâm Thị Bạch Nga của lớp mầm non Tí Bo (thuộc phường Linh Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng gây phẫn nộ khi đè lên người một cháu bé cưỡng ép phải ăn, trước sự chứng kiến của nhiều đứa trẻ khác. Trong một đoạn video khác, người phụ nữ này dồn một cháu bé đến góc tường, đồng thời cầm một vật dụng tác động mạnh vào cháu bé.
Phụ huynh của em nhỏ cho biết, cô Nga cũng thông báo đã đánh bé vì muốn ép cho bé ăn nhiều. Ban đầu, phụ huynh nghĩ rằng, cô chỉ đánh vào tay do trẻ nghịch ngợm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi phụ huynh xem được clip thì cảm thấy quá sốc, vì đây là hành vi bạo hành chứ không phải dạy trẻ.
Vào đầu tháng 4/2024, cộng đồng mạng cũng từng rúng động với một đoạn video bạo hành em bé 1 tuổi xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Hoàng Oanh (thôn Quang Trung, xã Lạc Hồng, tỉnh Hưng Yên). Người phụ nữ được xác định trong clip là Kha Thị Tấm đã liên tục tác động mạnh vào vùng đầu, mặt và tay của cháu bé để ép bé ăn.
Mặc dù em bé sợ hãi, giãy giụa và khóc lớn, người phụ nữ vẫn tiếp tục hành vi bạo lực. Tại cơ quan công an, người phụ nữ đã thừa nhận hành vi sai trái và chịu sự trừng phạt của pháp luật.