Vừa trú bão tại Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, bà Lê Thị Liễu (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) vừa không giấu được sự lo lắng và sự xúc động.
- Những hình ảnh đầu tiên về thiệt hại do siêu bão Noru gây ra chiều 27/9
- NÓNG: Bão số 4 giật trên cấp 17 "quần thảo" đất liền từ đêm nay, cảnh báo lũ quét - sạt lở đất
Vừa trú bão vừa lo "bay" nhà
Bà Liễu cho biết, chiều 27/9, khi được chính quyền địa phương đến nhà vận động sơ tán đến trường học để trú bão, con trai đã chở bà cùng cháu nội nhỏ lên đây. Bà cảm thấy yên tâm vì được chính quyền địa phương quan tâm, lo lắng từng bữa ăn.
"Sống trong ngôi nhà tạm, ngày mưa bão lo lắng đến mất ngủ. Tôi lại bị đau chân, đi lại rất khó khăn, nghe dự báo cơn bão này lớn lắm nên tôi hối thúc con trai chở cả nhà đi tránh trú bão, ở nhà sợ sẽ xảy ra chuyện không may. Tính mạng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói vậy thôi chứ hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu bão tốc mất mái nhà thì không biết tiền đâu mà lợp lại. Mong là bão qua đi và đừng gây thiệt hại gì hết", bà Liễu tâm sự.
Lực lượng chức năng ở Đà Nẵng cõng 1 cụ bà đi trú bão.
Người dân được bố trí chỗ nghỉ ngơi rộng rãi và được phát chăn, gối,... để trú bão.
Bà Trần Thị Lơn (65 tuổi, ngụ P.Nại Hiên Đông) cho biết, gia đình có 6 người đi tránh bão và đây là lần đầu cả nhà nghe tin bão lớn đến vậy.
Theo bà Lơn, gia cảnh quá khó khăn nên đại gia đình bà 6 người của bà bấy lâu nay vẫn phải ở phòng trọ. Nghe thông tin cơn bão Noru này mạnh nhất trong 20 năm qua, cộng với việc ngôi nhà thuê đã xuống cấp nên mấy ngày qua bà như ngồi trên đống lửa vì không biết cả nhà trú bão ở đâu cho an toàn.
Lo lắng cho những đứa cháu vừa mới lên ba tuổi, bà Lơn đã chủ động liên hệ với UBND phường để xin đi sơ tán tránh bão.
"Nghèo quá nên mãi đến tuổi này rồi ước mơ có được một ngôi nhà kiên cố để trú bão mỗi khi đến mùa mưa vẫn chưa thực hiện được. Ở trong ngôi nhà thuê cũ kỹ, mỗi khi bão đến gió thổi mạnh là cả nhà lại thức trắng đêm lo lắng vì sợ sập. Rất may được chính quyền địa phương cho sơ tán đến trường học kiên cố và quan tâm lo ăn uống miễn phí nên tôi cảm thấy yên tâm và ấm lòng lắm...", bà Lơn rung rung nước mắt chia sẻ.
"Tụi tôi được chăm lo chu đáo lắm!"
Tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là nơi trú bão tập trung của hơn 50 người dân, trong đó có nhóm 30 người đồng bào Vân Kiều, quê ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Nhóm công nhân này đang làm việc tại 2 nhà máy chế biến thức ăn gia súc và thủy sản, họ sống ở những căn nhà trọ tạm, chật hẹp trên địa bàn phường Thọ Quang.
Được ông Lê Tự Hòa - Phó chủ tịch UBND phường Thọ Quang trực tiếp đến vận động, những công nhân này vui mừng khi được chính quyền đón đến nơi an toàn để trú bão.
Theo ông Lê Tự Hòa - Phó chủ tịch UBND phường Thọ Quang, trên địa bàn phường có 8 điểm tập trung gồm cơ sở trường học, trụ sở công an. Tại các điểm tập trung, chính quyền bố trí thực phẩm, đồ dùng cá nhân để đảm bảo cung cấp cho người dân trong 2 ngày tránh trú bão số 4 Noru.
Chị Hồ Thị Sen (SN 1996, công nhân công ty Hải Thành) cho biết: "Cơ sở vật chất tại đây rất tốt, tụi tôi được chăm lo chu đáo lắm! Tại đây, tụi tôi được ăn uống đảm bảo, được phát chăn gối để ngủ và có cả mì tôm để ăn khuya, wifi để đọc tin tức nữa…".
Còn chị Trần Thị Thanh (SN 1995, công nhân công ty 32) cho biết, khi chị và các đồng nghiệp đang lo lắng vì nghe tin cơn bão mạnh sắp đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng, thì có các anh công an đến vận động đi sơ tán. Các anh dặn dò chỉ cần mang theo áo quần mặc đủ thôi, còn tất cả vật dụng cần thiết cho việc sinh hoạt và ăn uống sẽ được hỗ trợ miễn phí.
"Đây là lần đầu tiên em đi tránh bão. Các anh ở đây rất quan tâm và tận tình chăm sóc từng chỗ ngủ, việc ăn uống khiến chúng em rất mừng và biết ơn", chị Thanh nói.