Vì nuốt một miếng bánh trung thu khá lớn, người đàn ông 60 tuổi ho sặc, khó thở, tím tái, phải nhập viện cấp cứu.
- Sự thật bất ngờ về chuyện 'bạch xà' xuất hiện trong đình làng ở Bắc Giang
- Rùng mình cảnh tượng bên trong hiện trường vụ cháy karaoke khiến 32 người chết ở Bình Dương
Theo thông tin từ Dân Trí, sáng 10/9, bác sĩ Hồ Văn Hân, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết, nơi đây đang điều trị cho một trường hợp nguy kịch, suy hô hấp nặng vì hóc dị vật khá hi hữu.
Bệnh nhân là ông H.Q. (60 tuổi), được người nhà đưa đi cấp cứu sáng 9/9 trong tình trạng ho sặc, tím tái, khó thở, thở ngáp cá. Theo lời kể từ gia đình, trước đó ông Q. ăn 1/4 chiếc bánh trung thu nhưng không nhai mà nuốt chửng, dẫn đến sự việc trên.
Người đàn ông nguy kịch vì hóc bánh trung thu được cấp cứu ngay trước cửa bệnh viện - Ảnh: Dân Trí
Trên Vietnamnet, Bác sĩ Nguyễn Thiên Trung, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Gò Vấp cho hay, vì bệnh nhân nặng gần 70 kg, không thể xốc lên nên phải để bệnh nhân nằm sấp, ấn mạnh vào vùng thượng vị theo hướng từ dưới lên trên.
Sau vài lần thực hiện sơ cứu, mảnh bánh trung thu được tống ra khỏi cơ thể ông Q.. Lúc này, bệnh nhân mới dần cải thiện tím tái, thở lại được. Các bác sĩ xác định đây là tình huống rất nguy hiểm, nếu xử lý chậm 1-2 phút bệnh nhân sẽ tử vong nên bỏ qua các thủ tục.
"May mắn ở trường hợp này là nhà bệnh nhân gần bệnh viện nên đưa đến kịp thời. Nếu trễ hơn thì tiên lượng rất khó đoán, vì khi ấy bệnh nhân đã thở ngáp", bác sĩ Trung nói với Dân Trí.
Hiện bệnh nhân vẫn đang được điều trị kháng sinh, theo dõi tại khoa ICU vì có biến chứng viêm phổi hít.
Theo bác sĩ Trung, bánh trung thu dù mềm nhưng khi ăn tạo cảm giác dính ở miệng. Nhiều người hay nuốt miếng lớn, dẫn đến dễ xảy ra nguy cơ hóc dị vật, thậm chí can thiệp trễ có thể nguy hiểm tính mạng. Do đó, bác sĩ khuyên mọi người cần ăn chậm, nhai kỹ.
Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi gặp tình huống hóc dị vật đường thở, người xung quanh cần ngay lập tức gọi 115 và đưa nạn nhân đi cấp cứu, đồng thời sơ cứu tại chỗ đúng cách. Người nhà cần sơ cứu bằng cách vỗ lưng ấn ngực với trẻ dưới hai tuổi hoặc dùng thủ thuật Heimlich với trẻ lớn, người lớn.
Trong trường hợp nạn nhân ngưng tim ngưng thở, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt.