Ngân hàng Mô - Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2 nhận được điện thoại thông báo, người con trai muốn hiến giác mạc của mẹ để mang lại ánh sáng cho người bệnh mù lòa.
- Cháy lớn kho xưởng tái chế nhựa ở Hà Nội, 1 người tử vong thương tâm
- Lời khai gây bất ngờ của người vợ cầm lái cán chồng tử vong ở Bình Phước
Theo thông tin từ báo Dân trí, sáng sớm ngày 25/9, Ngân hàng Mô - Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2 nhận được điện thoại thông báo, người con trai muốn hiến giác mạc của mẹ để mang lại ánh sáng cho người bệnh mù lòa.
Ngay lập tức, các ekip của Ngân hàng Mô khởi động, nhanh chóng di chuyển đến tận nơi để lấy giác mạc.
Người hiến giác mạc là cụ bà 80 tuổi, qua đời lúc 5h18 sáng 25/9. Người gọi điện đến Ngân hàng Mô, bày tỏ muốn hiến giác mạc của mẹ là bác sĩ quân y, TS.BS Nguyễn Lê Trung, Phó Chủ nhiệm khoa mắt Bệnh viện Quân y 103.
Cán bộ Ngân hàng Mô chia sẻ: "Trong suốt quá trình thu nhận, người con trai cụ chỉ đứng lặng lẽ quan sát từ một góc phòng. Chỉ đến khi các kỹ thuật viên đã lấy giác mạc xong, người con trai ấy mới lại gần, đặt tay lên mái tóc của mẹ, rồi ôm lấy mẹ mà bật khóc... Anh ôm mẹ lần cuối cùng sau khi hiến tặng giác mạc của mẹ để mang lại ánh sáng cho người khác".
Theo thông tin từ báo Lao Động, mẹ của bác sĩ Trung là Đại úy Lê Thị Hồng Minh, nguyên nhân viên khoa dược tại Bệnh viện Quân y 103.
Trước khi mất, bà đã bày tỏ di nguyện muốn hiến tặng giác mạc của mình để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa. Con trai bà là bác sĩ chuyên khoa mắt, đã kìm nén nỗi đau mất mẹ để thực hiện di nguyện cao cả này.
Giác mạc của Đại úy Minh đã được ghép thành công cho 2 bệnh nhân, ở 2 bệnh viện khác nhau.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4.2007 của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc, trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến). Đến nay đã có hơn 20 tỉnh thành trong cả nước đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời…
Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, vì vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.