"Con nghĩ khi con quay lại cứu mẹ nuôi thì mẹ con có khả năng thoát được, nhưng mà giờ mẹ không còn nữa rồi. Con nhớ mẹ nhiều lắm", đưa đôi tay co rúm sờ vào vết bỏng chằng chịt trên cơ thể, Chính rưng rưng nước mắt.
- NÓNG: Lịch công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng năm 2022
- Người phụ nữ bị sát hại trên phố Hà Nội: Ghen tuông mù quáng, người chết kẻ ôm hận suốt đời
Gần 2 năm qua, nỗi đau mất đi người thân vẫn chưa một ngày nguôi ngoai với Nguyễn Hữu Chính (ngụ ấp An Nghiệp, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Cậu bé 12 tuổi đã dũng cảm quay lại căn nhà cháy để cứu mẹ nuôi của mình. Dù bất thành, mẹ nuôi không qua khỏi, em bị bỏng 96% nhưng lòng hiếu thảo của Chính vẫn luôn được mọi người nhắc đến.
Mặc dù biết quay lại chiếc ghe sẽ nguy hiểm nhưng Chính vẫn liều mình tìm cách cứu mẹ nuôi
Con sợ nhưng không thể ở trên bờ nhìn mẹ bốc cháy…
Chính là con trai út trong gia đình nghèo có 9 anh chị em. Sau khi người anh trai đầu mất đi, thấy cha mẹ vất vả, trong kỳ nghỉ hè, Chính hay ra đồng đi nhặt trứng vịt cho cặp vợ chồng ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ. Cảm mến đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo, phần vì con cái đã lớn, không ở bên cạnh nên vợ chồng người chủ đàn vịt đến nhà thưa chuyện, xin được nhận Chính làm con nuôi, đón về huyện Cờ Đỏ để ở.
Dù không muốn xa đứa con trai út nhưng thấy con trai quyết tâm nên cô Thạch Thị Sà Ra (44 tuổi) đành chấp nhận. Chính dọn về ở cùng đôi vợ chồng nuôi vịt, được yêu thương, chăm sóc vô cùng chu đáo. Nào ngờ tai nạn kinh hoàng khiến cuộc sống của đứa trẻ (khi ấy 10 tuổi) đảo lộn hoàn toàn.
"Bình gas phát nổ, nó chạy thoát rồi mà quay lại cứu mẹ nuôi. Bả nặng quá rồi mất, còn nó thì…", cô Sà Ra nhìn Chính, bật khóc.
Dù may mắn giữ được mạng sống nhưng tai nạn kinh hoàng khiến Chính phỏng nặng đến 96%, cả cơ thể chằng chịt vết bỏng, gương mặt em biến dạng, da không còn đủ để vá các vết sẹo lồi lõm…
Khoảng 8h ngày 7/10/2020, sau cuộc điện thoại gọi về nhà khoe được mẹ nuôi mua cho cái điện thoại mới, Chính xuống bếp phụ mẹ nuôi đem cơm cho cha thì xảy ra thảm kịch.
Nhìn những vết thương trên cơ thể con trai, cô Sà Ra không cầm được nước mắt
"Chú Hùng (cha nuôi Chính) gọi điện về cho tui, nó chị Năm ơi, chị coi giấy tờ cá nhân của Chính đem gấp lên đây. Xung quanh thì tui nghe tiếng xe cứu thương, tui hỏi thì chỉ nghe là thằng Chính bị nổ bình gas rồi, chưa biết sống chết ra sao.
Lúc đó tui chỉ biết bò khóc mà trong người không có lấy một đồng để đi lên con, hàng xóm thấy thương mới đem qua cho 500 ngàn. Tui bắt xe lên đến bệnh viện thì thấy con mình, mẹ nuôi của nó nằm đó, quấn băng che hết cả người…", cô Sà Ra nhớ lại.
Theo lời kể của cha nuôi, sau khi phát hiện bình gas rò rỉ, Chính đã chạy khỏi ghe nhưng vì thấy mẹ nuôi còn trên ghe, hô hoán vẫn không thấy xuống nên em quyết định quay lại kéo mẹ nuôi, tìm cách thoát khỏi đám cháy. Nào ngờ bình gas phát nổ, cả 2 bị thổi bay xuống sông, nguy kịch. Chính được chuyển lên BV Nhi đồng 1, còn mẹ nuôi lên BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, vì vết thương quá nặng, mẹ nuôi của Chính đã tử vong.
Con nhớ mẹ nhiều lắm!
Nhìn thấy đứa con trai út quấn băng kín mít, xung quanh toàn máy móc, dây nhợ chằng chịt…, cô Sà Ra cứ nghĩ rằng con mình sẽ chẳng thể nào vượt qua.
Chú Nguyễn Hữu Thành (63 tuổi) sau khi bị gãy xương sườn, cũng đã mất sức lao động. Từ ngày con trai gặp nạn, chú chỉ biết lẩn quẩn ở nhà, tự trách mình chẳng thể nào lo lắng được cho con...
Nghe thấy tiếng mẹ ruột trong bệnh viện, dù đau đớn khắp người nhưng Chính vẫn cố động viên mẹ. "Thằng bé mạnh dạn lắm, nghe mẹ khóc, nó nói mẹ ơi, bộ mẹ khóc hay gì, mẹ đừng có khóc. Tui chỉ biết trả lời không có đâu, mẹ chỉ bị khan tiếng thôi. Nó còn bảo mẹ bệnh thì mẹ đi mua thuốc uống trước đi rồi mẹ hãy lại chỗ con, nghe đến đó mấy y bác sĩ cũng khóc vì thương thằng bé.
Khi ấy nó mới 10 tuổi hà, nhìn con mình bỏng hết cả người mà đứt ruột. Bác sĩ thì lắc đầu, tiên đoán nó khó qua khỏi…", cô Sà Ra nhớ lại.
Nằm tại BV Nhi đồng 1 suốt nhiều ngày, Chính dần dần tỉnh lại một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, vì vết thương rất nặng, Chính không thể nào mở mắt, nói chuyện được như trước kia. Thấy con trai thoát cửa tử, cả gia đình cũng giấu nhẹm chuyện mẹ nuôi đã mãi mãi ra đi.
Ròng rã nằm viện suốt gần một năm trời, đến khi cử động được cơ miệng, mắt dần dần mở lại được (ban đầu mắt Chính bị mù), điều đầu tiên cậu bé hỏi chính là người mẹ nuôi của mình. Khi biết mẹ đã mất, em khóc suốt mấy ngày liền.
"Ngày nó tỉnh tui mới hỏi nó thấy lửa cháy con không sợ hay sao. Nó kêu nó sợ nhưng con ở trên bờ sống, mẹ nuôi con còn ở dưới ghe chết thì sao. Nó nghĩ vậy nên mới quay lại cứu mẹ để hai mẹ con thoát được, nhưng có ngờ đâu mẹ nuôi nó đã không còn. Lúc biết chuyện, nó buồn khóc vì mình không cứu được mẹ", cô Sà Ra tâm sự.
Vì vết bỏng nặng, cơ miệng của Chính vẫn chưa cử động bình thường được, em cũng chỉ có thể ăn cháo và uống sữa thay cho cơm
Suốt gần 2 năm qua, để giữ được mạng sống, Chính đã trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật tạo hình, ghép da, tập cử động. So với ban đầu, Chính đã cải thiện khoảng 2-3 phần, mắt con cũng đã nhìn thấy đường sau thời gian dài không thể mở được. Riêng phần cơ miệng vẫn chưa thể khép lại, một bên tai đã không còn nghe rõ, khuôn mặt của đứa trẻ 12 tuổi biến dạng, da thịt trên người chẳng đủ để lóc ghép nữa…
"Riêng bàn tay của nó bác sĩ nói phải phẫu thuật 10 lần mới tách các ngón ra được. Cứ nửa đêm ngủ được 1-2 tiếng là nó giật mình dậy, mê sảng, cứ khóc la vì nghĩ đến cảnh cháy nổ năm đó. Nhìn thấy con đau đớn, tui ước gì có thể thay con chịu đựng", cô Sa Ra quệt nước mắt.
Đưa đôi tay co rúm sờ lên mặt, Chính rưng rưng nước mắt khi nhớ đến vụ hỏa hoạn năm xưa. Trong tiếng nổ rầm trời của bình gas, cả chiếc ghe bốc cháy, em đã mãi mãi mất đi một người mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc cho em.
"Con nhớ mẹ nuôi, con thương mẹ nhiều lắm", Chính thỏ thẻ, đôi mắt em ngân ngấn nước.
12 tuổi, em đã phải trải qua nỗi đau đớn khi từng mảng da thịt lồi lõm, khuôn mặt biến dạng khác người. Em cũng không biết bản thân mình có thể thực hiện thêm bao nhiêu cuộc phẫu thuật nữa để tìm lại hình dáng trước kia của mình. Cả người em, chẳng còn da thịt để cắt ghép nữa. Nhiều lúc nhìn thấy bạn bè xa lánh, sợ hãi khi không dám nhìn thẳng vào cơ thể em, Chính chỉ biết gục đầu vào mẹ bật khóc.
"Trước mình ở nhà lá, xong người ta thương thằng bé nên mới cất lại cho cái nhà để nó ở. Hồi đó giờ mình nghèo, thiếu nợ 100-200 ngàn là lớn rồi, từ hồi nó bệnh đến giờ là thiếu nợ lớn luôn. Đợt trước nó xỉu, tui phải chạy đi vay nợ, rồi mạnh thường quân cho tiền, mình gom lại để đưa con đi viện. Tui cũng không biết nó còn phải mổ bao nhiêu lần nữa", cô Sà Ra nghẹn lời.
Để có thể chạy chữa suốt 2 năm cho con trai, ngoài số tiền mạnh thường quân giúp đỡ, những lúc ngặt nghèo, cô Sà Ra phải đi vay ngân hàng chính sách để kịp thời đưa Chính đi viện
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, Chính đưa đôi mắt long lanh nhìn về phía đầu ngõ, nơi những đứa trẻ cùng trang lứa vui vẻ cười đùa, chốc chốc lại đố nhau những câu chữ, bài học ở lớp. Nếu không gặp nạn, năm nay Chính đã lên lớp 6.
"Con thích được đi học, con chỉ còn hơi hơi nhớ chữ thôi… ", lời nói thỏ thẻ của Chính khiến chúng tôi nấc nghẹn. Ước gì những vết sẹo lồi lõm trên cơ thể của cậu bé 12 tuổi có thể biến mất mãi mãi, con được lành lặn như trước kia.