Trận lũ lụt tồi tệ vào tháng 9 năm nay ở Nepal đã gây ra thiệt hại hàng triệu đô la, khiến hàng nghìn người phải di dời và đe dọa đến tăng trưởng kinh tế.
- KHẨN CẤP: Siêu bão Milton vừa áp sát Florida, vùng thấp trên Đại Tây Dương có xu hướng mạnh lên "đỉnh cao mới", quốc gia nào sẽ chịu ảnh hưởng?
- Diễn biến MỚI về siêu bão Milton: Đổ bộ bang Florida với sức gió gần 200km/h, mưa lớn "ngàn năm có 1"
Rajan Bajagain - một người dân Nepal, phải đối mặt với cảnh tượng đau lòng khi ngôi nhà của ông bị san phẳng thành đống đổ nát. Mảnh đất mà ông từng canh tác giờ đây bị nhấn chìm dưới một lớp bùn dày.
Sông Roshi, dâng cao vào tháng 9, đã trút cơn thịnh nộ xuống ngôi làng của ông Rajan Bajagain ở Panauti, nằm cách thủ đô Kathmandu của Nepal khoảng 32 km về phía đông nam. Ông cho biết, trận lũ tàn khốc đã khiến nhiều người mất nhà cửa và xóa sổ toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời vất vả kiếm được.
"Thế giới của chúng tôi như đã kết thúc. Tôi đã mất tất cả những gì mình kiếm được và nguồn sinh kế của chúng tôi đã bị cuốn trôi. Trang trại và mùa màng cũng bị phá hủy hoàn toàn", ông Bajagain, 53 tuổi, cho biết.
Lũ lụt và lở đất do mưa lớn gây ra vào tháng 9 đã tàn phá khắp Nepal, khiến 236 người tử vong và gây ra sự tàn phá trên diện rộng. Một báo cáo sơ bộ của chính phủ ước tính thiệt hại kinh tế lên tới 17 tỷ rupee (127 triệu đô la Mỹ), nhưng một số nhà kinh tế cho rằng con số này có thể còn cao hơn.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng xếp hạng Nepal là quốc gia dễ bị tổn thương thứ tư về khí hậu trên toàn cầu. Các nhà khoa học dự đoán thời tiết bất lợi và thiên tai, chẳng hạn như lũ lụt và lở đất do hồ băng vỡ sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.
"Thật bất thường khi có trận lũ lụt như vậy vào tháng 9. Biến đổi khí hậu đang gây ra vấn đề và kéo theo những tổn thất về kinh tế", Kabir Uddin, chuyên gia tại một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Kathmandu, cho biết.
Những thảm họa như vậy có thể gây thiệt hại đáng kể cho một quốc gia có thu nhập thấp như Nepal.
Một báo cáo năm 2019 của Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính thiệt hại kinh tế hàng năm ở Nepal do lũ lụt có thể lên tới 140 triệu đô la Mỹ, trong đó thiệt hại đối với tài sản vật chất tương đương ước tính lên tới 1,4% tổng sản phẩm quốc nội ở quốc gia này.
Thiệt hại kinh tế nặng nề
Nhà kinh tế học Karan Poudel cũng tin rằng thiệt hại từ lũ lụt và lở đất gần đây có thể vượt quá 85 tỷ rupee.
Thảm họa đã làm tổn hại đến một số cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Nepal, bao gồm đường sá và các nhà máy thủy điện trị giá hàng triệu đô la. Báo cáo mới nhất của chính phủ cũng ước tính 11 nhà máy thủy điện ở Nepal tạo ra 625 megawatt năng lượng đã bị hư hại, gây thiệt hại khoảng 3 tỷ rupee.
"Ngành này, được coi là điểm sáng trong câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Nepal, hiện phải đối mặt với những tổn thất đáng báo động, đưa quốc gia này từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng. Nhiều dự án thủy điện không đủ khả năng ứng phó với các thảm họa khí hậu đang gia tăng", ông Poudel cho biết.
Poudel nói thêm rằng các nhà đầu tư đang trở nên cảnh giác do không chắc chắn về tác động của khí hậu trong tương lai và điều này có khả năng ảnh hưởng đến nguồn tài trợ cho các dự án mới.
Tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đã ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia trên thế giới. Khu vực Nam Á phải hứng chịu lũ lụt hàng năm, dẫn đến nguy cơ gia tăng người tị nạn khí hậu và mất an ninh lương thực.
Lũ lụt vào tháng 9 đã ảnh hưởng đến hơn 88.000 ha ruộng lúa ở Nepal, gây thiệt hại tổng cộng 3,5 tỷ rupee. Với lễ hội Dashain lớn của người Hindu ở Nepal bắt đầu vào tuần trước, giá thực phẩm đã tăng do nhu cầu tăng và những thách thức về hậu cần.
"Trong ngắn hạn, hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi giá thực phẩm tăng và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như sinh kế. Về lâu dài, tăng trưởng kinh tế của Nepal có khả năng chậm lại vì các nguồn lực bị chuyển hướng khỏi các khoản phân bổ ngân sách cốt lõi", Manjeet Dhakal, Giám đốc phụ trách dữ liệu khí hậu Climate Analytics Nam Á tại Kathmandu cho biết.
Ngành du lịch Nepal, đóng góp khoảng 6,6% GDP của đất nước, cũng bị ảnh hưởng. Ngay khi đất nước đón số lượng khách du lịch kỷ lục vào tháng 9, nhiều du khách đến đất nước này đã rút ngắn thời gian lưu trú do đường cao tốc bị chặn, trong khi những du khách tiềm năng khác đang ở trong chế độ chờ đợi và theo dõi thêm", ông Mani Raj Lamichhane - Giám đốc Hội đồng Du lịch Nepal cho biết.
Ông Mani Raj Lamichhane ước tính thu nhập thường xuyên của các doanh nghiệp du lịch có thể đã giảm từ 20% đến 30% do thảm họa gần đây. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, vào năm 2023, ngành du lịch của Nepal đã hỗ trợ 1,19 triệu việc làm và tạo ra doanh thu 2,5 tỷ đô la Mỹ.
Tiếp cận các giải pháp hiệu quả ứng phó thiên tai
Để giải quyết những tác động kinh tế của các sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu, các chuyên gia cũng kêu gọi những quốc gia dễ bị tổn thương như Nepal hãy nêu rõ mối quan ngại tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11 tới.
Ông Dhakal cho biết thỏa thuận về quỹ "tổn thất và thiệt hại" mang tính bước ngoặt tại hội nghị COP27 của Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương phục hồi sau thảm họa liên quan đến khí hậu – phải tạo ra một quy trình dễ dàng hơn để tiếp cận các khoản tiền cần thiết nhất.
"Nepal cần kêu gọi một hệ thống tài chính khí hậu giải quyết nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, một hệ thống ưu tiên các khoản tài trợ, dễ tiếp cận và có thể ứng phó với bất kỳ sự kiện thời tiết cực đoan cấp bách nào", ông cho biết.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học và nhà kinh tế nhấn mạnh Nepal nên tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu, cải thiện hệ thống giảm thiểu thiệt hại về người và các cú sốc kinh tế.
Ông Poudel cho biết mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng 4,9% vào năm 2025 của Nepal, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, có vẻ khó có thể thực hiện được do điều kiện nông nghiệp không thuận lợi và dự kiến phải nhập khẩu năng lượng.
"Đã đến lúc các nước từ bỏ thói quen phản ứng khẩn cấp hay cam kết thực hiện một tầm nhìn mạnh mẽ nhưng phải thừa nhận thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu ngay từ đầu", ông cho biết.
Trong khi đó, nhiều người dân địa phương như ông Bajagain hiện vẫn sống ở các nơi trú ẩn và chờ đợi các gói viện trợ của chính phủ. Ngay cả khi họ nhận được tiền, chúng cũng chỉ là tạm thời và không đủ để xây dựng lại cuộc sống.
"Bây giờ, mặt trời đã lên cao và chúng tôi không sợ lũ lụt hiện tại nữa. Nhưng còn năm sau thì sao? Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra", ông Bajagain cho biết.