Khuyến cáo 10 biện pháp phòng chống cháy nổ gia đình dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Đời sống 27/04/2024 17:38

Để đảm bảo phòng chống cháy nổ cho gia đình dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người dân cần thực hiện 10 biện pháp an toàn.

Trong dịp lễ 30/4 và 01/5 năm nay, người dân được nghỉ 05 ngày, đây là khoảng thời gian nghỉ Lễ dài, các hoạt động vui chơi, giải trí, kinh doanh, sản xuất của người dân, doanh nghiệp đẩy lên cao. Bên cạnh đó, những tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, nắng nóng gia tăng dẫn theo nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ và tai nạn sự cố.

Để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với hộ gia đình, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy như sau:

1. Kiểm tra định kỳ các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất.

Khuyến cáo 10 biện pháp phòng chống cháy nổ gia đình dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - Ảnh 1

Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư (Ảnh: Chu Dũng).

2. Kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị sử dụng điện để lâu ngày không hoạt động để sẵn sàng phục vụ các hoạt động khi bước vào mùa nắng nóng. Các thiết bị điện, điện tử đã hư hỏng, quá cũ nên đươc kiểm tra và thay mới để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

3. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Tắt hết các thiết bị điện không sử dụng trước khi ra khỏi nhà. Nếu cần thiết có thể tắt hẳn cầu dao điện tổng của cả căn nhà nếu không hoạt động trong dài ngày.

4. Không sạc điện thoại, xe máy (xe đạp) điện hoặc các thiết bị tiêu thụ điện khác qua đêm (đặc biệt trong những ngày đi du lịch, nghỉ mát...).

5. Trang bị sẵn bình chữa cháy, trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ, vật dụng phương tiện thoát nạn....

6. Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.

7. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt đảm bảo ngăn cách an toàn với các khu vực khác.

 

Khuyến cáo 10 biện pháp phòng chống cháy nổ gia đình dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - Ảnh 2

Các vụ cháy nếu không xử lý kịp thời thường gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản.

8. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy.

9. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu, nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy.

10. Nhờ người thân, hàng xóm hoặc bạn bè thân thiết,.. đến trông nhà (trong trường hợp có thể) hoặc gọi điện báo cho chủ hộ, chủ phòng trọ nơi mình đang thuê giúp trông coi, theo dõi để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có sự cố hay cháy, nổ xảy ra.

Khi xảy ra cháy, người dân cần nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận hoặc Công an xã phường gần nhất và thực hiện các bước xử lý sau:

- Bước 1: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết.

- Bước 2: Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy.

- Bước 3: Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.

Nếu điều kiện cần hoặc bắt buộc, nên thực hiện việc lắp đặt camera quan sát nhà ở qua điện thoại để kịp thời cảnh báo cho lực lượng chức năng phòng cháy chữa cháy nếu chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Cô đơn làm tăng 50% nguy cơ mất trí nhớ

Sự cô đơn quá mức đang trở thành mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng toàn cầu bởi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như bệnh tim, đột quỵ, mất trí nhớ,...

TIN MỚI NHẤT