Trong tháng 7, HĐND của nhiều tỉnh thành đã thông qua mức học phí mới trước khi năm học 2023-2024 bắt đầu.
- Thi vào lớp 10 ở TP.HCM: 3,5 điểm/môn vẫn đỗ trường công lập, 8 điểm/môn rớt trường top đầu
- CHÍNH THỨC: TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 công lập năm học 2023-2024, THPT Nguyễn Thượng Hiền dẫn đầu với 25,5 điểm
Theo thông tin từ báo Dân Trí, trong tháng 7, HĐND của nhiều tỉnh thành đã thông qua mức học phí mới trước khi năm học 2023-2024 bắt đầu. Mức học phí này được áp dụng cho bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên.
Tại Vĩnh Phúc, mức học phí 300.000 đồng/tháng được áp dụng chung cho học sinh ba cấp mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên. Học sinh vùng nông thôn đóng 100.000 đồng/tháng. Học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đóng 50.000 đồng/tháng.
Đối với học sinh cấp THPT và Giáo dục thường xuyên cấp THPT, học phí là 300.000 đồng/tháng áp dụng cho vùng thành thị; 200.000 đồng/tháng áp dụng cho vùng nông thôn; 100.000 đồng/tháng áp dụng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Riêng học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc phải đóng mức học phí cao hơn là 360.000 đồng/tháng.
Tại Bắc Ninh, vùng thành thị áp dụng chung một mức 300.000 đồng/tháng với học sinh từ mầm non tới THPT và Giáo dục thường xuyên bậc THPT. Tại nông thôn, học sinh mầm non, tiểu học và THCS đóng 100.000 đồng/tháng; học sinh THPT và Giáo dục thường xuyên bậc THPT đóng 200.000 đồng/tháng.
Mức học phí này được Bắc Ninh áp dụng cho ba năm học từ 2023-2024 đến 2025-2026.
Tại Nam Định, mức học phí cho học sinh mầm non, THCS và THPT ở vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng. Học sinh mầm non vùng nông thôn đóng 150.000 đồng/tháng. Học sinh THCS và THPT vùng nông thôn đóng 200.000 đồng/tháng.
Nam Định miễn 100% học phí cho học sinh tiểu học công lập. Với học sinh tiểu học tư thục, mức học phí được dùng làm căn cứ miễn giảm cho đối tượng chính sách là 300.000 đồng/tháng với vùng thành thị, 200.000 đồng/tháng với vùng nông thôn.
Tại Phú Thọ, mức học phí của năm học 2023-2024 về cơ bản giữ nguyên như năm học 2022-2023, có điều chỉnh ở cấp mầm non khi áp dụng một mức thu chung thay vì chia nhỏ theo các lớp nhà trẻ, mẫu giáo, nhà trẻ bán trú và mẫu giáo bán trú.
Mức thu của Phú Thọ hiện thấp hơn mức sàn trong khung học phí năm học 2022-2023 của Chính phủ.
Theo thông tin từ VnExpress, theo nghị quyết, nếu học trực tuyến, các trường công thu 75-80% học phí theo mức đã ban hành, mức cụ thể khác nhau giữa từng địa phương. Nếu học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức học nào trên 14 ngày thì thu học phí theo hình thức đó.
Tại Đà Nẵng, HĐND cũng thông qua học phí mới nhưng đồng thời với chính sách hỗ trợ. Thành phố sẽ chi ngân sách hơn 408 tỷ đồng để miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập. Đây là năm thứ ba liên tiếp Đà Nẵng có chính sách này.
Thực tế, mức học phí mới đáng lẽ được áp dụng từ năm 2022, sau khi nghị định 81 có hiệu lực. Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tỉnh, thành đều chi ngân sách cấp bù nên phụ huynh chỉ phải đóng tiền bằng mức cũ (2021). Đến năm nay, đa số tỉnh, thành dừng hỗ trợ, nên mức đóng của phụ huynh sẽ cao hơn 2-5 lần.
Theo lộ trình của Chính phủ, từ năm 2024, trẻ mầm non sẽ được miễn học phí và từ năm 2025 là với học sinh THCS.