Tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM), những đứa trẻ đáng ra phải được yêu thương, chăm sóc thì lại bị các bảo mẫu bạo hành, quăng ném, dù là trẻ sơ sinh vài ngày hoặc vài tháng tuổi.
- Bão Yagi giật cấp 11 đang hướng vào Biển Đông, dự báo cường độ có thể giật cấp 15
- Nam sinh Bách khoa tốt nghiệp điểm tuyệt đối: Từng đứng đầu khối A01 tỉnh Bắc Ninh cách đây 4 năm
Theo thông tin từ báo Dân trí, vào ngày 4/9, Công an quận 12 (TP.HCM) phối hợp với các đơn vị có liên quan vào cuộc xác minh, điều tra vụ nhiều trẻ em bị bạo hành dã man tại Mái ấm Hoa Hồng ở phường Trung Mỹ Tây.
Mái ấm Hoa Hồng nuôi dưỡng gần 100 trẻ em mồ côi được chia thành 3 nhóm: trẻ sơ sinh (lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi), trẻ từ 1 - 2 tuổi và trên 2 tuổi. Trong đó, phòng trẻ sơ sinh của mái ấm có khoảng 20 trẻ, bé lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi, bé nhỏ nhất chưa đầy 1 tháng.
Trước đó, theo thông tin từ báo Thanh Niên, bảo mẫu Cẩm (47 tuổi, quê ở Đồng Nai) như một hung thần thực sự tại căn phòng nuôi dưỡng các em bé từ 1 đến 2 tuổi. Bà Cẩm không chỉ bạo hành thể xác, mà còn sử dụng các biện pháp bạo lực tinh thần để hành hạ những em bé vô tội. Từ việc dùng lược đánh đập, nhốt trẻ vào nhà vệ sinh cho đến hành động đổ thuốc vào miệng các em đầy thô bạo.
Rạng sáng 25/8/2024, bà Cẩm lôi một bé trai từ chỗ ngủ ra phía nhà vệ sinh. Tại đây, bà này nhẫn tâm cầm đũa đánh gần 30 cái vào hai lòng bàn chân của em bé. Tiếng khóc thét của đứa trẻ vang lên chói tai trong màn đêm; rồi sau cơn bạo hành khủng khiếp, em bé này bị xách bổng lên và ném về chỗ ngủ.
Những cảnh tượng tương tự không chỉ xảy ra vào ban đêm mà cả ban ngày, bảo mẫu Cẩm cũng “sơ hở" là đánh đập những đứa trẻ. Trong giờ thay tã sáng sớm 25/8/2024, bà Cẩm liên tục đánh đập nhiều đứa trẻ với lời hăm dọa.
Điều đáng báo động hơn, một số đứa trẻ đã sao chép hành động đánh đập của các bảo mẫu, xúm lại đánh bạn mỗi khi các bảo mẫu hành hung bạn đó. Thậm chí có em bé còn bắt chước lôi kéo, chửi thề. Sự méo mó trong nhân cách dường như đang được truyền lại từ chính những người đáng ra phải bảo vệ, chăm sóc các em.
Điều này không chỉ gây tổn thương về thể xác cho các em nhỏ, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng về mặt tâm lý, sự phát triển của các em.