Ở Hà Nội, có anh chàng phụ xe 24 tuổi thích thú "sưu tầm" những tờ tiền 500 đồng, 1.000 đồng rồi treo lên tay cầm xe bus để... nhìn "yêu yêu" hơn. Và cũng như anh nói, là để công việc đỡ tẻ nhạt phần nào.
- Ngày 8/3 ở Sài Gòn: Chị em đi xe buýt là được tặng hoa và cả những nụ cười dễ thương thế này
- Người đàn ông tử vong bên người phụ nữ trong cabin xe tải
Trước giờ đến nay trong suy nghĩ của nhiều người, xe bus đồng nghĩa với những nỗi sợ hãi: chờ hàng tiếng không có tuyến nào vắng để leo lên, trên xe lại ngột ngạt, sàn nhơm nhớp bẩn, nhiều mùi hôi, chưa kể đến nạn trộm cắp, móc túi...
Nhưng nếu sẵn sàng dành hẳn một buổi chiều bỏ lại sau lưng những bộn bề lo toan, tìm lên những chuyến xe bus "trái tim" mà tôi sắp kể dưới đây, bạn sẽ khám phá thêm một điều nhỏ nhoi nhưng cũng đáng để mỉm cười.
Những tờ tiền thay cho tờ quảng cáo mà anh phụ xe đặt vào tay cầm trên xe bus ở Hà Nội
Chuyến xe bus 44 về bến xe Mỹ Đình đón bạn ngay tại trạm Nguyễn Trãi. Hai hàng ghế thưa thớt, khách trên xe chủ yếu vài ba cô cậu sinh viên và những bác già lớn tuổi. Phía trên những chiếc tay cầm, nếu vô tình ngửa mặt nhìn lên bạn sẽ phát hiện ra một bí mật thú vị: Những tờ tiền 500 đồng được đặt ngay ngắn thay vì các tờ quảng cáo như thông thường.
Ban đầu khách trên xe bus chả mảy may quan tâm đến những chiếc tay cầm đặc biệt đó, sau rồi khi phát hiện ra họ lại thấy lạ, dần dần lại thấy thú vị!
Trên xe bus chỉ có đúng 2 người có "quyền uy" đặt những tờ tiền bên trong tay cầm. Chắc chắn không phải bác lái xe rồi vì vị trí của bác gắn liền với vô lăng, vậy thì chỉ có thể là anh phụ xe chuyên gia chạy "loăng quăng" trên xe.
Công việc của một phụ xe bus mới nghe qua có vẻ rất đơn giản: bán vé xe, kiểm soát vé tháng, sắp xếp chỗ ngồi, chỗ đứng trên xe. Nhưng đối với anh Nguyễn Nhật Long (SN 1994, Hà Nội), nhiệm vụ đặc biệt của anh mỗi khi rảnh rỗi là kiêm luôn bảo vệ những chiếc tay cầm 500 đồng đỏ chót.
Trung bình mỗi xe bus có 30 tay cầm, mỗi tay cầm anh Long treo một tờ tiền 500 đồng, tổng thiệt hại là 15.000 đồng. Sau hơn 2 năm, anh Long đã "phủ đỏ" 3, 4 chiếc xe trong tuyến hành trình của mình.
Giá mỗi vé xe bus chỉ 7.000 đồng nên nhiều khi người dân hay đưa cho anh Long nhiều tờ tiền lẻ. Nghĩ cũng chẳng đáng bao nhiêu, anh Long cất dành tiền rồi chờ treo lên tay cầm để... nhìn "yêu yêu" và công việc bởi thế cũng đỡ tẻ nhạt.
Tờ 500 đồng dù không mang nặng giá trị vật chất, nay có thể dùng để "mua" những niềm vui nho nhỏ.
Hành khách phụ gấp tờ 1.000 đồng thành hình trái tim cho xe bus
Cũng có chuyến xe lại chở theo những trái tim 1.000 đồng, mà như cách anh phụ xe chia sẻ là "đưa tình yêu đi muôn nơi".
Nói về tờ tiền 1.000 đồng được gấp hình trái tim, anh Long cười hề hề thú thực: "Anh có biết xếp đâu, hình trái tim 1.000 đồng đó là anh nhờ mấy bạn hành khách xếp hộ rồi treo lên ý chứ. Còn những chuyến khác thì anh chỉ để tờ 500 đồng vào đó thôi".
Ấy thế mà có những trường hợp không biết hành khách tò mò hay cố ý, mà tiện tay lấy luôn vài tờ tiền 500 đồng. "Cứ đảo quanh một vòng thấy mất tiền là biết ngay bị mất trộm rồi. Mình có hơi buồn buồn nhưng thôi, mình lại để tờ mới vào rồi dán băng keo lại. Hiện tất cả các tay cầm đều đã được dán lại chắc chắn đề phòng mất cắp tiếp. Giá trị vật chất không đáng là bao nhưng cốt yếu là tinh thần", anh Long hào hứng chia sẻ.
Vào nghề phụ xe bus đã 3 năm nay, chàng trai 24 tuổi thật thà tâm sự dù công việc không nhọc nhằn gì nhưng nó đem đến cho anh nhiều trải nghiệm cùng "những cuộc gặp gỡ với người lạ". Nếu khách vui tính hòa đồng thì chuyến xe ngập tràn tiếng cười nói vui vẻ, mọi người chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện. Nhưng nếu không may gặp phải người khó tính, không chấp hành quy định thì hơi khó chiều một chút.
Đưa mắt nhìn những tay cầm đỏ chót tờ 500 đồng bên trong, bạn Linh (SV Đại học Công Đoàn) vui vẻ: "Nhiều người có vẻ sợ đi xe bus và trước đây mình cũng thế. Nhưng khi đi quen và khám phá ra có những chuyến xe đặc biệt dễ thương thế này mình lại rất thích. Cứ nhìn mấy cái tay cầm đung đưa mỗi khi xe đi qua một cái ổ gà hay đoạn đường xóc trông vui mắt lắm!".
Bác Hiền - một hành khách nhiều tuổi đang mải miết ngắm nhìn đường phố ngập nắng qua cửa kính. Tôi tiến tới, lân la hỏi thăm: "Bác ơi, bác nhìn lên phía trên xem!". Chẳng cần nói với nhau lời nào nữa, hai bác cháu nhìn nhau cười rõ tươi. "Trông mấy cái tay cầm đỡ đơn điệu hơn rồi, bác đi mấy chuyến khác toàn tờ quảng cáo lại nhiều hành khách quá nên thấy mệt mỏi. Cứ chiều chiều có xe này về nhà con gái nên vừa tiện vừa vui".
Có những buổi chiều Hà Nội đầy nắng và quá đỗi bình yên để tìm kiếm niềm vui qua từng nẻo đường. Thay vì lưu giữ những hình ảnh xấu xí, hãy quên chúng đi và chọn cho bản thân những điều hạnh phúc giản dị.
"Xe bus ở đâu mà dễ thương thế?"
"Ở Hà Nội đó!"