Thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), vừa xảy ra trận động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
- Tình tiết bất ngờ trong vụ 'Tịnh thất Bồng Lai': Em gái ông Lê Tùng Vân chết trong thời gian tại ngoại
- Bàng hoàng phát hiện thi thể nam thanh niên dưới mương nước: Nạn nhân với nhiều thương tích
Theo thông tin từ VTC News, sau rung chấn mạnh 5.0 độ, vào 15 giờ 32 phút 28 giây (giờ Hà Nội) thêm một trận động đất có độ lớn 2.6 xảy ra ở độ sâu khoảng 12.1 km trên khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất tiếp theo xảy ra sau đó hơn một tiếng, vào lúc 16 giờ 49 phút 51 giây có độ lớn 2.6.
Đáng lưu ý chỉ trong gần 20 phút, từ 17 giờ 09 phút 05 giây đến 17 giờ 38 phút 37 giây, 4 trận động đất liên tiếp đã xảy ra ở khu vực này, tất cả đều có độ lớn dưới 3.0.
Riêng hai trận động đất xảy ra trong tối 28/7 có độ lớn 3.5 và 3.8. Người dân sống ở vùng tâm chấn động đất có thể cảm nhận được rung lắc nhẹ từ hai trận động đất này.
Trước đó, lúc 11 giờ 35 phút 10 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/7, một trận động đất mạnh 5.0 độ đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây là trận mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung.
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trận động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình. Các địa phương cần kiểm tra đánh giá thiệt hại. Cơ quan này đã phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2 do động đất.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, nếu tính từ trưa tới 19h08 tối nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu trận động đất thứ 11.
Người dân các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Phú Yên đều cảm nhận được rung lắc từ các trận động đất.
Theo thông tin từ báo Dân trí, chiều 28/7, đại diện UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết trận động đất 5 độ xảy ra sáng cùng ngày đã gây nứt một số công trình trường học, trụ sở y tế, công an... trên địa bàn huyện.
Kết quả rà soát ban đầu của địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người sau các trận động đất.
Đối với thiệt hại về tài sản, theo thống kê của huyện Kon Plông, điểm trường Trung học cơ sở và Trạm Y tế xã Đăk Rinh bị rạn nứt. Trong đó, trường Trung học cơ sở được xây dựng năm 2012, trạm y tế xây dựng năm 2013.
Ngoài ra, điểm trường mầm non, phòng làm việc Công an xã Đăk Nên xuất hiện vết rạn nứt nhỏ sau các trận động đất.
Ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho hay nhiều tháng nay, xã liên tục chịu ảnh hưởng các trận động đất nên xuất hiện một số vết nứt.
Tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), tiếp giáp với huyện Kon Plông (Kon Tum) cũng đã có những ảnh hưởng sau trận động đất 5 độ. Một số nhà cửa của người dân tại địa phương này bị nứt tường.