Càng ngày, chúng ta càng nhận ra sự quan trọng của tiền tiết kiệm. Thu nhập của bạn càng ít, bạn càng cần cố gắng để tiết kiệm nhiều hơn.
- Những điều thú vị về trái thanh long đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội
- Bộ GDĐT cảnh báo thông tin xuyên tạc về nội dung Quyết định phê duyệt SGK sử dụng trong chương trình GDPT 2018
Khi còn đi học, những ngày ngồi trên giảng đường nhiều mộng mơ, chắc hẳn ai cũng nghĩ về tương lai đi làm với mức thu nhập ổn định, có thể chi tiêu sắm sửa cho bản thân, đỡ đần 1 chút cho cha mẹ và có tiền tiết kiệm hàng tháng để thực hiện những gì mình muốn ở các chặng hành trình tiếp theo. Nhưng rồi, sau 3 năm, 5 năm, thậm chí là 7 năm, 10 năm đi làm, nếu phải trả lời cho câu hỏi "các bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi?", tôi cá rằng, có nhiều người chỉ dám tặc lưỡi cười trừ mà thôi.
Mức lương 6 triệu đồng/tháng được coi là mức thu nhập thấp nếu bạn hiện đang sống ở thành phố. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng đều có cách giải quyết. (Ảnh minh hoạ)
Đồng ý là mỗi người chúng ta đều có những con đường phát triển riêng và sẽ không có 1 tiêu chuẩn nào cho số tiền mọi người phải tiết kiệm được sau khi đi làm. Nhưng, nếu là người biết quản lý chi tiêu thì hẳn rằng, việc có một số dư đáng mơ ước trong tài khoản không phải điều quá xa vời.
Song, trên thực tế lại có không ít người lựa chọn cách sống ngược lại, không toan tính cho tương lai để rồi khi cần đến lại không có đồng dư nào mà dựa vào.
Có nhiều người - đặc biệt là những người trẻ vừa mới ra trường sẽ phản biện rằng, lương tháng chưa tới 10 triệu, ăn còn không đủ, lấy đâu mà tiết kiệm?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn công thức để tiết kiệm với mức lương 6 triệu đồng/tháng - thấp hơn mặt bằng chung thu nhập của nhiều người trẻ hiện tại dưới sự hỗ trợ, tư vấn của chị Mina Chung - Người sáng lập nền tảng Money With Mina với mục tiêu đem an tâm tài chính đến với 50 triệu phụ nữ Việt Nam.
Lương 6 triệu đồng/tháng: Chi tiêu thế nào?
Thông thường, các chuyên gia tài chính vẫn đưa ra lời khuyên nên tiết kiệm 20% thu nhập 1 tháng. Tuy nhiên, nếu mức lương là 6 triệu đồng/tháng. Nhiều người sẽ cho rằng, chi tiêu sinh hoạt hàng tháng còn không đủ thì lấy gì mà dành dụm?
"Vì tương lai tài chính, nếu bạn không thể tiết kiệm 20% thì con số tối thiểu bạn cần dành dụm cũng phải là 5%/tháng. Nếu mà bạn không tiết kiệm được như vậy thì có nghĩa là bạn đã sống quả khả năng của mình rồi" - chị Mina Chung khẳng định.
Và nếu bạn vẫn nghĩ với mức thu nhập đó thì ngay cả việc tiết kiệm được 5% 1 tháng cũng rất khó khăn thì chị Mina Chung cũng nói thêm:
"Nếu tiết kiệm 5%, điều đó có nghĩa là 1 tháng bạn chỉ cần cố gắng để tiết kiệm 300.000 đồng.
Và tôi cũng muốn nhắc nhở các bạn 1 chút là, uống 1 ly cà phê 20.000 đồng/ngày thì 1 tháng bạn đã tiêu xài 560.000 đồng rồi. Vậy thì việc bạn dành dụm 300.000 đồng/tháng là hoàn toàn có thể xảy ra. Với 300.000 đồng mỗi tháng như vậy, bạn bỏ vào ngân hàng với lãi suất 5%/năm, 40 năm sau bạn đã có thêm 460 triệu đồng. Đương nhiên là với điều kiện là bạn không được nhúng tay vào để mà rút tiền ra chi xài vào bất cứ lúc nào".
Theo chị Mina Chung, chìa khóa để quản lý tài chính cá nhân là bạn phải dành dụm trước rồi mới chi tiêu sau. Và như vậy đồng nghĩa là ngay sau khi nhận lương 6 triệu đồng, hãy cất ngay số tiền tối thiểu 300.000 đồng đi. Rồi tính toán tiêu xài bằng số tiền còn lại.
"Vậy có nghĩa là bạn không được chi tiêu quá 5,7 triệu đồng - tương đương 95% nguồn thu của mình" - chị Mina Chung nhấn mạnh.
Cũng theo lời khuyên của chuyên gia tài chính, bạn nên cần có 1 sự hiệu quả bằng cách phân biệt rõ thế nào là chi phí cần và chi phí muốn.
Nếu không thể tiết kiệm được 5% thu nhập, chuyện gì sẽ xảy ra?
Chị Mina Chung đưa ra 1 số ví dụ như sau:
- Không có tiền dành dụm, bạn sẽ không có tiền cho con đi học;
- Mất việc thì bạn cũng không có quỹ dự phòng để vượt qua;
- Lúc đổ bệnh không có tiền chi trả cho y tế;
- Làm việc suốt đời vì không có tiền hưu từ dành dụm;...
Ngược lại, chị Mina Chung cũng lấy thêm ví dụ để cho bạn thấy rõ hơn tác dụng của việc buộc bản thân phải cố gắng tiết kiệm nhiều hơn.
"Chỉ cần lấy ví dụ là nếu bạn cố gắng dành dụm 20%/tháng để vào ngân hàng với lãi suất 5%/năm thì 30 năm sau, bạn đã có thêm hơn 1 tỷ đồng. Để có tiền dành dụm, bạn phải chi tiêu làm sao cho hiệu quả và gói gọn trong 80% còn lại. Để chi tiêu hiệu quả thì bạn cần phải hiểu chi phí nào là cần thiết và chi phí nào là mong muốn trong cuộc sống và làm sao gói gọn nó trong 80% mà bạn có".
Công thức tiết kiệm
Nếu bạn chọn tiết kiệm 20%/tháng (tương đương 1,2 triệu đồng nếu thu nhập 1 tháng của bạn là 6 triệu đồng). Với 80% thu nhập còn lại, bạn tiếp tục chia 50% cho các chi phí cần thiết và 30% còn lại dành cho các chi phí muốn. Như vậy, nếu chi phí cần thiết là 50%, bạn có 3 triệu để sinh hoạt. Trong đó:
- Chi phí cần thiết là tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống, bảo hiểm y tế và những chi phí khác như là bỉm sữa, mua sắm và cho ba mẹ (...) là chi phí muốn.
"Bạn có thể liệt kê những chi phí vào cuốn sổ tay của mình, hay là chọn sử dụng các ứng dụng mà bạn đang quen và cảm thấy phù hợp với nó.
Sau đó bạn chia rõ ra, 1 bên là chi phí cần và 1 bên là chi phí muốn. Và cũng nhắc lại, tôi chỉ đề nghị mức 50% và 30% như là 1 con số ví dụ. Từng dòng bên chi phí cần thiết như thuê nhà, ăn uống, điện nước, xăng xe trả nợ và y tế, bạn cộng lại hết coi có quá 50% hay không.
Bên chi phí muốn là những chi phí thường hay phát sinh, ví dụ mua tã cho con đã là 1,2 triệu đồng/tháng. Số tiền này đã chiếm gần 20% thu nhập của bạn và dĩ nhiên, chi phí mỗi tháng sinh hoạt sẽ trở nên rất khó khăn và bạn sẽ không dành dụm được vì những chi phí phát sinh này. Vậy thì bây giờ sẽ làm như thế nào?
Với các khoản chi phí phát sinh trong thời gian ngắn thì bạn phải giảm những chi phí khác. Chi phí này có thể là không cố định nhưng bạn vẫn muốn xài nó vì thương con và muốn lo cho con. Sau đó, bạn buộc lòng phải quay trở lại cắt giảm những chi phí phát sinh khác vì khả năng tài chính không đủ và cũng không dành dụm được gì cho tương lai.
Còn về lâu về dài, nếu bạn vẫn xài như vậy thì buộc lòng bạn phải tăng thu nhập. Và có nghĩa là không muốn giảm chi, thì bạn phải tăng thu" - chị Mina Chung khuyên.
Hãy áp dụng với công thức này ngay cả khi bạn chọn tiết kiệm 5%/tháng. Chia nhỏ, rõ ràng số tiền cần chi cho từng khoản, theo dõi và tuân thủ bảng kế hoạch được lập cho từng tháng sẽ giúp bạn có thể tiết kiệm được, dù thu nhập chỉ là 6 triệu đồng. Dẫu vậy, song song với đó, hãy cố gắng làm sao để gia tăng dòng tiền của mình.