Mẹ chẳng may bị tai nạn giao thông, hôn mê sâu dẫn đến chết não, bác sỹ nói vô phương cứu chữa. Trong lúc đau khổ và tuyệt vọng nhất, cô bé Nguyễn Thị Sáng, 19 tuổi (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Khê, Hà Tĩnh) đã hỏi ý kiến người thân và xin hiến tạng mẹ cho y học. Quyết định sáng suốt và đầy tình người của em đã cứu sống được 4 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Buổi sáng định mệnh
Chúng tôi có mặt tại ngôi nhà của anh Nguyễn Tiến Đường (em trai của nạn nhân Nguyễn Thị Liễu trong vụ tai nạn ngày 19-3) lúc trời đã nhá nhem tối. Khi ấy, Sáng đang chuẩn bị nấu cơm, còn em gái thứ 2 đang tắm cho người em út.
Ngôi nhà tuềnh toàng cộng với tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc đài nhỏ đặt bên bàn thờ chị Nguyễn Thị Liễu khiến không khí càng thêm u sầu, thê lương. Thu vội những gốc rau muống đang nhặt dở, Sáng đi vào nhà pha nước mời chúng tôi.
Kể về tai nạn thương tâm của mẹ, cô gái bật khóc: "Hôm đó là ngày 19-3, em đang làm việc ở công ty may thì nhận được điện thoại của hàng xóm báo tin mẹ em bị tai nạn nặng phải đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Em nghe tin chân tay rụng rời. Em không thể tự đi được nên phải nhờ một người cùng làm chở đến bệnh viện. Khi đó, bác sỹ thông báo cho em biết rằng, tình trạng của mẹ em rất bi quan, chỉ có thể kéo dài được trong 2, 3 ngày tới. Thực sự em cũng không nhớ nổi khi đó em đã suy sụp thế nào".
Mấy ngày sau đó, chị em Sáng và người thân thay nhau túc trực trong bệnh viện. Vì bác sỹ đã tiên lượng vậy nên những người trong gia đình Sáng cũng chỉ biết bất lực chờ tin dữ.
Trong một lần ngồi ở hành lang, bên ngoài phòng cấp cứu của mẹ, Sáng vô tình xem trên tivi một chương trình nói về ý nghĩa của việc hiến tạng.
Ít phút sau đó, bác sỹ lại gọi riêng em vào phòng và cho biết mẹ em chắc chắn không thể qua khỏi. Đồng thời, vị bác sỹ ấy cũng khuyên em nên hiến tạng mẹ để trao cơ hội sống cho những người khác.
"Ngay lúc đó em sốc lắm. Em nghĩ mẹ chẳng may bị tai nạn đã khổ lắm rồi, giờ lại cắt bỏ từng bộ phận trên cơ thể mẹ, em sẽ không thể nào chịu nổi. Cả đêm hôm đó em không ngủ, em nghĩ mãi về những gì mình đã xem trên tivi và cả những lời bác sỹ khuyên.
Em nhớ tới cả lời mẹ em hay dạy khi trước là con người ai rồi cũng trở về với cát bụi. Thế nên khi sống phải cố gắng sống sao cho tốt, cho ý nghĩa. Cuối cùng em quyết định sẽ hiến tạng mẹ để cứu sống những người khác.
Đầu tiên em gọi điện cho em gái em hỏi ý kiến. Lúc mới nghe nó gào khóc trong điện thoại bảo không ai được đụng đến mẹ. Mẹ có mất cũng phải mất toàn thây. Nhưng sau khi nghe em giải thích, nó hiểu ra và đồng ý. Người thứ 2 em hỏi ý kiến là dì của em. Dì em bảo, con đã quyết rồi thì dì tôn trọng" - Sáng chia sẻ.
Sau khi hiến hai quả thận, một lá gan, một giác mạc của mẹ cho y học, ba chị em Sáng cùng người thân đã đưa thi hài mẹ về quê an táng.
"Một phần cơ thể mẹ còn sống cũng an ủi lắm rồi"
Nhìn ba chị em Sáng ngơ ngác, đau đớn trong đám tang mẹ, nhiều người không cầm nổi nước mắt. Số phận dường như đã quá nghiệt ngã với 3 chị em Sáng. Tai nạn thương tâm bỗng chốc biến các em thành những đứa trẻ mồ côi.
Giờ đây 3 chị em phải chuyển từ Bình Dương về ở cùng với người cậu ruột. Gia cảnh của người cậu cũng hết sức khó khăn, vợ bỏ đi để lại cho anh Đường 2 người con khi đó còn rất nhỏ.
Giờ lại phải cáng đáng thêm 3 đứa cháu, bản thân anh Đường cũng không biết mình có kham nổi không. Nhìn vào di ảnh chị gái, anh Đường tâm sự: "Số chị ấy khổ quá.
Lấy chồng, kinh tế khó khăn nên hai vợ chồng phải chuyển vào Đắk Nông lập nghiệp. Vào đó hai vợ chồng cũng chỉ biết làm thuê, cuốc mướn, đốt than nuôi các con ăn học. Vậy mà đến khi chị tôi phát hiện mắt ngày một mờ đi thì bị chồng bỏ.
Chị tôi đau khổ và suy nghĩ nhiều nên lại mắc thêm bệnh suy tim. Ba năm sau khi ly dị thì chị gái tôi tái hôn và sinh thêm được một cháu gái là Nguyễn Ngọc Thùy. Nhưng người chồng mới suốt ngày say xỉn rồi về đánh đập vợ tàn tệ nên nhiều lần chị tôi phải chạy trốn.
Có những lúc chị ấy gọi điện ra than thở với tôi là số chị khổ quá. Thương chị nhưng tôi cũng chỉ biết động viên chứ có giúp được gì đâu. Cuối cùng không chịu được đòn của chồng nên chị ấy đành phải ôm 3 đứa con nhỏ xuống Bình Dương thuê trọ".
Ở Bình Dương, chị Liễu xin vào làm bảo vệ cho một công ty. Mặc dù một ngày phải làm từ 12 tới 16 tiếng nhưng lương của chị cũng chỉ được chưa đầy 5 triệu đồng. Số tiền ấy quá ít ỏi để chị Liễu có thể trang trải đủ các khoản: thuê nhà, điện nước và nuôi con…
Vì cuộc sống quá khó khăn nên cả Sáng và em gái kế đều phải nghỉ học giữa chừng. "Em nghỉ học rồi xin đi làm may để lấy tiền phụ mẹ nuôi các em. Vì không có tiền cho em út đi gửi trẻ nên em thứ 2 của em phải ở nhà trông" - Sáng kể. Thương mẹ, thương các em, Sáng cố gắng làm tăng ca để có thêm thu nhập. Dù vậy, cuộc sống của bốn mẹ con vẫn hết sức khó khăn.
Giờ mẹ mất rồi, Sáng không biết mình sẽ phải xoay sở thế nào để nuôi các em. Những ngày này, Sáng tạm thời chỉ ở nhà cậu để đèn hương cho mẹ hết 49 ngày.
Em chia sẻ: "Hiện bây giờ em chưa biết sẽ làm gì. Nếu vào Bình Dương tiếp tục làm may mà để 2 em ở nhà thì em không đành lòng. Giờ em chỉ muốn có tiền để đi học nghề cắt tóc. Theo được nghề đó thì em có thể ở lại Hà Tĩnh cùng với cậu chăm sóc, bảo ban 2 em".
Từ ngày mẹ mất, bé Thùy khóc ngằn ngặt, luôn miệng đòi mẹ. Tối đến, nhớ hơi mẹ, bé Thùy khóc nhiều hơn. Hai chị em Sáng thay nhau dỗ em, nhiều khi dỗ mãi bé Thùy không nín, ba chị em quay ra ôm nhau khóc. Sáng kể: "Số mẹ em khổ cho tới khi chết. Người gây ra tai nạn cho mẹ cũng nghèo, nhà chú ấy ở Nghệ An. Hôm đám tang mẹ em, chú ấy và gia đình cũng không đến.
Mãi gần chục ngày sau chú ấy đến có đặt lên bàn thờ mẹ em một cái phong bì mấy trăm ngàn rồi bảo, xin gia đình được giải quyết ở góc độ tình cảm. Em cũng chẳng có ý định ép uổng gì chú ấy nhưng giờ mấy chị em em chẳng còn mẹ để dựa dẫm, cũng chẳng biết sẽ phải sống thế nào nữa".
Nhìn cảnh Sáng vỗ về, cưng nựng em út khi bé Thùy khóc khiến chúng tôi không thể cầm lòng. Em còn quá non nớt để phải chịu đựng từng đó biến cố trong đời. Nhưng ngay cả trong lúc đau đớn và tuyệt vọng nhất, trái tim em vẫn tràn đầy tình nhân ái, yêu thương.
Được biết, ngay sáng 22-3, hai quả thận và lá gan của mẹ em đã được tiến hành ghép tạng và cho kết quả rất khả quan. Sáng bảo: "Mẹ em dù không còn nữa nhưng một phần cơ thể mẹ vẫn còn đang sống. Chút đó thôi cũng đủ an ủi chị em em rồi".
Trước quyết định dũng cảm và đầy tính nhân văn của cô gái 19 tuổi Nguyễn Thị Sáng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư khen ngợi.
Trong thư có đoạn: "Tôi hết sức xúc động được biết, dù đang vô cùng đau thương khi biết mẹ đẻ của mình bị tai nạn giao thông, không thể qua khỏi, cháu đã quyết định hiến tạng của mẹ để kịp thời cứu sống nhiều người khác.
Tôi trân trọng và đánh giá cao cháu, tuy tuổi còn trẻ nhưng đã vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khó khăn, mất mát của gia đình, để làm được việc đầy tình người đó; nghĩ rằng mẹ của cháu cũng hài lòng về nghĩa cử cao đẹp của con mình.
Tôi chia sẻ với cháu cùng gia đình nỗi mất mát, đau thương; mong cháu sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, làm chỗ dựa cho các em của mình trưởng thành. Qua đây, mong các cấp chính quyền, đoàn thể, bà con chòm xóm, hãy quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình cháu Nguyễn Thị Sáng vượt qua thời khắc khó khăn này".