Theo nếp của người Việt xưa nay, cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà. Tuy nhiên, xin lộc đầu năm như thế nào mới đúng cách?
Cứ mỗi độ xuân về, trong phút giao thời giữa năm cũ và mới, nhiều người Việt thường có tục lễ chùa và xin lộc. Họ đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ thế nào là cách xin lộc đầu năm phù hợp với nét đẹp văn hóa mà không dẫn tới nhiều nhiều cảnh không hay, phản cảm như: người dân đua nhau chặt cành cây to mang về nhà, phá hủy môi trường, thậm chí là nhổ cả cây non mang về. Vậy đâu là cách mang lộc về nhà đúng đắn và chuẩn mực nhất? Hãy cùng tìm hiểu ở ngay bài viết dưới đây nhé!
Ý nghĩa của việc xin lộc đầu năm?
Ngoài tục lễ chùa, người Việt còn có tục hái lộc vào đêm giao thừa. Theo quan niệm của người xưa, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Do đó, người ta đi xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây. Vào dịp đầu năm, người dân thường ghé lại các đình, chùa để xin một nhánh non đem về treo trước cửa nhà hoặc chưng trên bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. Cành lộc được chọn thường là loại cây có phong cách, dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và nhân ái.
Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất. Còn hái lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.
Nếu ngày xưa, việc hái lộc phải từ những cây ở chùa thì hiện nay, tục hái lộc đã đổi khác và có những phá cách mang tính tích cực. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ,… đem về nhà trong ngày đầu năm. Tất cả những điều đó làm tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, mãi là một nét chấm phá lung linh trong mùa xuân của toàn dân tộc Việt Nam.
Xin lộc đầu năm thế nào là đúng cách?
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho biết: “Hái lộc đầu năm là một tục lệ đẹp của nguời Việt. Hái lộc hay rước lộc có nghĩa là gặt hái tài lộc, cũng có nghĩa là đem cành lộc non tươi vào nhà. Vì thế, hành động mang cành lá non vào nhà cũng như mang lộc vào nhà vậy”.
Theo ông, đêm giao thừa hoặc ngày đầu năm, người dân có thể tới đền chùa hoặc những nơi công cộng như công viên, vườn hoa nơi nhiều sinh khí để hái những cành lá non về cắm trong nhà hoặc cắm trên bàn thờ. Nhưng mọi người lưu ý không hái cành quá to vì làm vậy sẽ phá hủy môi trường trong những ngày đầu năm, dẫn đến hệ quả là có thể làm chúng ta xui xẻo cả một năm trời.
Mọi người chỉ cần một cành lá nhỏ bé nhưng tâm hồn vui vẻ, hướng thiện, đầy ắp hạnh hiếu thì phúc lộc về nhà cũng nhiều lắm rồi. Bên cạnh đó, mọi người cũng lưu ý không hái cành lá héo úa hoặc những cây có gai nhọn vào nhà nhé.
Sư thầy Thích Minh Quang, trụ trì chùa Địa Tạng (Hà Nam) cho biết: “Hái lộc đầu xuân là gặt hái quả phúc, hỷ lạc,… xuất phát từ bản tâm, hành động, lời nói và ý nghĩ thiện lành. Vì thế, thay vì hái lộc, thay vì cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên đến. Thế nên người dân không nhất thiết phải hái lộc bằng việc bẻ cành, ngắt lá để mang lộc về nhà”.
Trong khi đó, chuyên gia phong thủy Nguyễn Tuấn Kiệt (Công ty cổ phần Phong thủy Việt Nam) nhận định: “Nhiều việc làm của người dân dịp đầu năm đều nhằm thu hút tài lộc vào nhà. Tuy nhiên chúng ta không nhất thiết phải hái lộc bằng cách bẻ cành cây ở đền, chùa. Có nhiều cách khác nhau để thu hút tài lộc".
Chẳng hạn, năm nay khi xuất hành, người dân nên tìm hiểu hướng đón phương vị cát tường có các cát tinh chiếu đến, đồng thời cũng nên sử dụng màu sắc phù hợp cho trang phục hoặc đồ vật trang trí trong nhà vào dịp năm mới để chiêu cảm và dẫn cát khí vào nhà.
Tóm lại, tục xin lộc đầu năm là một phong tục đẹp, có truyền thống từ bao đời tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đúng nhất với tinh thần xin lộc may mắn cho năm mới, mỗi người chúng ta cũng không nhất thiết phải bẻ các loại cành cây trên chùa, đình, hay bẻ hết những cành cây to, gây ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái và mất đi ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp của tập tục này. Đồng thời cũng xin kính chúc các độc giả có một năm mới bình yên, vui vẻ và nhiều may mắn nhé!