Khi cơ thể gặp tổn thương thì việc chọn lựa đúng thực phẩm có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục mà không cần dùng thuốc nhiều. Vậy chúng ta cần phải ăn gì?
- Nước ép rau củ quả: Uống nhiều có hại gì?
- Mỗi ngày 1 quả chuối sẽ mang đến những lợi ích quý hơn vàng mang đến sức khỏe nhưng nên tránh 3 thời điểm này
Khi bị ốm, cơ thể sẽ cần một lượng dưỡng chất cao hơn bình thường để hồi phục hiệu quả. Với những vết thương hở nói riêng, dinh dưỡng còn đóng vai trò quan trọng để da nhanh liền lại và chống hình thành sẹo xấu.
Đáng tiếc là chẳng phải ai cũng biết bổ sung đúng những loại thực phẩm cần thiết. Việc lựa chọn ăn gì vào lúc ốm đau có thể khiến bệnh nhanh khỏi hơn so với quá trình hồi phục tự nhiên. Vậy bị ốm nên ăn gì để nhanh khỏe lại?
Theo Amritha K – chuyên gia dinh dưỡng tại chuyên trang sức khỏe Boldsky, dưới đây là 5 món giàu dinh dưỡng giúp bệnh tình chuyển biến tích cực hơn, đặc biệt còn ít calo nên không phải lo béo lên khi ăn:
- Khoai lang
- Các loại quả mọng
- Rau lá xanh
- Trứng
- Thịt gà
Cụ thể như sau:
1. Khoai lang
Khoai lang cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, riboflavin, nicacin, thiamine và carotenoid giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục khi ốm đau, phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính và chống lại hàng loạt bệnh nhiễm trùng khó chữa.
Ngoài ra, trong khoai lang còn chứa lượng chất xơ lên men và hòa tan, cung cấp cho cơ thể một cơ chế tự duy trì và điều chỉnh cân nặng tự nhiên. Các chất xơ này sẽ làm bạn mau no hơn và hạn chế cảm giác thèm ăn vặt, cũng như tăng hoạt động của các hormone trong cơ thể nên giúp giảm cân hiệu quả.
2. Các loại quả mọng
Không ngẫu nhiên mà lúc đi thăm bệnh, người ta thường ưu tiên chọn mua trái cây để làm quà, đặc biệt là quả mọng giàu dưỡng chất. Những loại quả mọng như dâu tây, nho, việt quất… đều chứa nhiều vitamin C có khả năng chống oxy hóa và giúp tăng tốc độ chữa lành bệnh bằng cách kích thích cơ thể sản xuất collagen.
Quả mọng rất thích hợp khi ăn kèm với sữa chua để tăng cường lợi ích.
Bên cạnh đó, chất anthocyanins trong quả mọng còn chống viêm, kháng virus và tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh. Điều này giúp các loại quả mọng trở thành lựa chọn số một khi dùng để "chiến đấu" với các triệu chứng cảm lạnh và cúm.
3. Rau lá xanh
Chế độ ăn uống của con người hàng ngày có thể thiếu thịt, thiếu cá một chút nhưng tuyệt đối không được thiếu rau xanh. Nó được các chuyên gia đánh giá là "thực phẩm diệu kỳ" vì chứa hầu hết các chất dinh dưỡng lành mạnh. Đặc biệt chúng cũng giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương và giảm viêm.
Rau xanh kết hợp với món gì cũng ngon, thậm chí còn giúp tăng cường sức khỏe lên trông thấy.
Ăn rau xanh thường xuyên cũng là cách bổ sung folate – một chất cần thiết cho việc phân chia tế bào và chống lại sự phát triển của ung thư, có nhiều trong các loại rau họ cải (cải xoăn, cải bó xôi, bắp cải…). Chúng cũng có chỉ số đường huyết thấp, giúp cơ thể no lâu mà không cần phải nạp thêm calo từ thực phẩm khác. Duy trì việc ăn rau xanh điều độ sẽ giúp bạn khỏe mạnh, đẹp dáng nhanh.
4. Trứng
Trứng là một trong số ít món được giới dinh dưỡng xem là "siêu thực phẩm" có mặt khắp mọi nhà. Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, trong mỗi quả trứng đều chứa tất cả những chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Protein của trứng cũng giúp tăng cường miễn dịch, đẩy nhanh tốc độ lành bệnh và thúc đẩy sản xuất serotonin hỗ trợ phục hồi vết thương ngoài da.
Nên ăn trứng luộc để bảo toàn lợi ích vốn có, hạn chế chiên dầu nhiều vì dễ gây béo phì.
Cũng như những thực phẩm trên, vì trứng chứa nhiều dưỡng chất nên giúp bạn nhanh no hơn và giảm ăn các loại thực phẩm khác. Một nghiên cứu trên 30 phụ nữ cho thấy, ăn trứng vào bữa sáng sẽ giúp họ nhanh no và nạp ít calo hơn trong 36 giờ tiếp theo. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi bạn ăn trứng luộc, nếu chiên dầu quá nhiều sẽ phản tác dụng.
5. Thịt gà
Các axit amin trong thịt gà có thể tăng cường quá trình chữa bệnh và cải thiện hệ miễn dịch. Ngoài ra, loại thịt này cũng chứa arginine và glutamine giúp tăng tốc độ phục hồi và giảm căng thẳng cho bệnh tật gây ra. Thịt gà còn cung cấp thêm chất sắt có công dụng hạn chế cảm giác mệt mỏi khi bạn đang ốm.
Thịt gà là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào, ít chất béo. Vì vậy, đây là thực phẩm được ưu tiên sử dụng khi muốn phát triển cơ bắp và giảm cân lành mạnh. Bạn nên nấu cháo gà hoặc làm gà hấp cho người ốm ăn để dễ hấp thụ hơn, hạn chế chiên nướng vì dễ khiến chúng ngấm nhiều chất béo không tốt.
Khi ốm cần hạn chế ăn gì để nhanh lành bệnh?
Qua một cơn bệnh, hệ tiêu hóa của bạn đã trở nên yếu ớt và khó tiêu hóa hơn bình thường. Lúc này chúng sẽ đòi hỏi một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để nhanh phục hồi. Chính vì vậy, bạn cần phải tránh những món sau để bệnh khỏi nhanh hơn:
- Đồ ngọt: Cần hạn chế bánh kẹo vì chúng chứa chất béo bão hòa khiến hệ tiêu hóa hoạt động khó khăn hơn.
- Caffeine và các thức uống có cồn: Sử dụng chất cồn không chỉ khiến giảm hiệu quả của thuốc mà còn gia tăng tình trạng axit quá mức, khiến dạ dày căng thẳng và quá tải.
- Đồ ăn cay: Cần tránh xa các món cay khi bị sổ mũi hoặc viêm xoang, việc này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng bụng đầy hơi.
- Thịt tẩm ướp và các thực phẩm chế biến sẵn: Các món này không nên có mặt trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh hay vừa lành bệnh, chúng chứa nhiều muối không tốt cho thận và tim mạch.
Theo Boldsky, Healthline