Mẹ bầu tăng cân ít trong thai kỳ sẽ không đảm bảo đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ,…
- Thực hư khoai lang trị táo bón, chữa ung thư
- 2 món ngon dễ làm giúp mắt sáng khỏe hơn hẳn nếu ăn thường xuyên
Mẹ bầu tăng cân ít trong thai kỳ ảnh hưởng thế nào đối với thai nhi?
ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, trong thai kỳ, em bé sẽ được nuôi lớn từ nguồn dinh dưỡng của mẹ hấp thu.
Việc bà bầu thiếu cân khi mang thai sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thai nhi như:
- Không đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, thai nhi dễ bị chậm tăng trưởng hoặc mắc các dị tật bẩm sinh.
- Ảnh hưởng đến não bộ thai nhi: Chế độ ăn uống thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là thiếu máu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
- Chuyển dạ sớm: Mang thai tăng cân ít hoặc không tăng cân sẽ khiến mẹ đối mặt với nguy cơ chuyển dạ sớm và bé sinh ra nhẹ cân. Điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe ở bé như chứng còi cọc, suy dinh dưỡng, suy hô hấp…. sau này.
Mẹ bầu tăng cân như thế nào là hợp lý?
Theo vị bác sĩ này, trong một thai kỳ kéo dài 40 tuần, mẹ bầu sẽ tăng khoảng 9 - 12kg, gồm cân nặng của thai nhi, nước ối, bánh nhau và cân nặng của mẹ do cơ thể tích trữ năng lượng. Mẹ bầu tăng cân bao nhiêu cân trong thai kỳ còn phụ thuộc vào cân nặng ban đầu và chỉ số khối cơ thể (BMI).
Công thức tính BMI:
Chỉ số BMI = cân nặng (kg) / [chiều cao x chiều cao] (m)
Nếu người mẹ có cân nặng bình thường trước khi mang thai (BMI khoảng 18,5 - 24,9): mức tăng cân lý tưởng của người mẹ là 10 - 12 kg, cụ thể như sau:
- 3 tháng đầu (quý I): tăng 1 kg
- 3 tháng giữa (quý II): tăng 4 - 5 kg
- 3 tháng cuối (quý III): tăng 5 - 6 kg
Nếu người mẹ nhẹ cân (BMI: <18,5): mức tăng cân nên đạt khoảng 25% so với cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 12,7 – 18,3 kg.
Nếu trước khi mang thai mẹ bị thừa cân, béo phì (BMI từ 25 trở lên): mức tăng cân lý tưởng là 15% cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 7-11,3 kg.
Trường hợp người mẹ mang song thai: nên tăng khoảng 16-20,5 kg.
“Người mẹ cần duy trì cân nặng khỏe mạnh trước và trong khi mang thai. Điều này sẽ giúp thai nhi phát triển ổn định.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh lại, việc người mẹ tự theo dõi cân nặng để đánh giá chỉ là dấu hiệu chủ quan, việc khám thai định kỳ rất quan trọng trong việc lên kế hoạch dinh dưỡng cho sự phát triển tốt nhất của con”, bác sĩ Thành lưu ý.
Làm thế nào để tăng cân đủ trong thai kỳ?
Bác sĩ Thành khuyến cáo, để tăng cân đúng chuẩn trong thai kỳ, mẹ bầu cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng khoa học, hoạt động thể thao cũng như giữ tâm lý thoải mái:
- Chế độ dinh dưỡng: Khẩu phần ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm chất bột (gạo, mì, ngô, khoai, sắn…); nhóm đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu đỗ…); nhóm chất béo (dầu, mỡ, vừng, lạc…); vitamin chất khoáng và chất xơ (rau xanh, quả chín). Không dùng thực phẩm ăn kiêng gây kích thích ruột dẫn tới tiêu chảy, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và bé.
- Hoạt động thể chất: Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần vận động vừa phải, làm việc nhẹ nhàng, có thể đi bộ hoặc tập yoga khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý xin tư vấn của bác sĩ trước khi thực hiện các bài tập thể dục, xem có phù hợp với sức khỏe hiện tại của bản thân và thai nhi không.
- Tránh căng thẳng, stress: Mẹ bầu nên giữ tâm trạng thoải mái trong suốt thai kỳ để đảm bảo thai nhi phát triển tốt nhất. Mẹ có thể trò chuyện với người thân, gặp gỡ bạn bè để tâm sự, tận hưởng các sở thích của bản thân như nghe nhạc, đọc sách…
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của mẹ và thai nhi. Mẹ bầu nên ngủ ít nhất 8-9 tiếng mỗi ngày.
- Uống đủ nước: Nước đóng vai trò như một phương tiện vận chuyển quan trọng cho sự sống của thai nhi, hỗ trợ hoạt động bài tiết, cải thiện làn da cũng như ngăn ngừa triệu chứng phù nề ở bà bầu. Do đó, trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần uống từ 10 -12 ly/ngày.
“Trong trường hợp mẹ bầu có bất kỳ dấu hiệu bất thường, cần đến thăm khám bác sĩ ngay để được tư vấn, điều trị, giúp quá trình mang thai của mẹ được suôn sẻ, trọn vẹn”, bác sĩ Thành nói.