Cây mã đề là loại cây thuốc dân gian rất phổ biến, một loại rau dại ở các vùng quê Việt Nam và được sử dụng thường xuyên trong những bài thuốc chữa bệnh thông thường.
- 10 loại thực phẩm giúp chị em tăng nội tiết tố hiệu quả
- Loại nước ai cũng ngại uống vì nhiều đường nhưng lại chứa vô số lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe
Theo Y học Cổ truyền, cây mã đề hay còn được gọi là "mã tiền xá", có tên khoa học là Plantago asiatica. Cây thuộc nhóm cây thân thảo và sống lâu năm.
Trong dân gian từ lâu cây mã đề đã được biết đến là một loại thuốc nam có nhiều công dụng. Y học hiện đại cũng nghiên cứu và chiết xuất các thành phần trong mã đề để làm thuốc trị bệnh.
Cây mã đề thường mọc hoang và được trồng để sử dụng như rau sống ăn kèm ở nhiều nơi. Không chỉ ăn rất ngon mà cây bông mã đề còn có tác dụng tốt cho sức khỏe trong mùa nắng nóng. Mã đề có vị ngọt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, làm thông thoáng mồ hôi, sáng mắt, làm sạch phong nhiệt ở phổi và làm tiêu tắc nghẽn.
Các thành phần trong cây mã đề được biết đến là có rất nhiều tác dụng hữu ích cho chức năng lợi tiểu, lợi mật, chống viêm, tiêu đờm, chống ho, giảm kiết lỵ,… Trong dân gian, mã đề được dùng làm bài thuốc chữa các bệnh về đường tiểu, nhất là viêm đường tiết niệu. Làm thuốc chữa ho, viêm phế quản, trừ đờm viêm thận, viêm bàng quang, sỏi tiết niệu, viêm gan mật, viêm loét dạ dày tá tràng,… Có thể thấy, đây là vị thuốc có rất nhiều tác dụng về điều trị bệnh thường gặp.
Bài thuốc từ cây mã đề
1. Thuốc lợi tiểu: Xa tiền tử (hạt mã đề) 10g, cam thảo 2g; nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 phần, uống trong ngày.
2. Trị viêm đường tiết niệu: Mã đề 20g, hoàng cầm 15g, bồ công anh 15g, kim tiền thảo 20g, chi tử (dành dành) 15g, ích mẫu thảo 15g, cỏ nhọ nồi 20g, rễ cỏ tranh 30g, cam thảo 6g. Sắc uống. Uống liền trong 7- 10 ngày.
3. Hỗ trợ điều trị viêm bể thận cấp tính: Mã đề tươi, cỏ bấc đèn tươi, rễ cỏ tranh tươi, mỗi vị 50g; tất cả rửa sạch, sắc uống, mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 phần uống, uống liền trong 7 ngày.
4. Chữa sỏi bàng quang: Mã đề, kim tiền thảo, ngư tinh thảo (lá diếp cá), mỗi vị 30g, sắc uống, mỗi ngày 1 thang, chia 2 phần uống, uống liền trong 5 ngày.
5. Chữa tiểu ra máu: Mã đề tươi 50g, cỏ nhọ nồi tươi 50g, giã lấy nước cốt, chia thành 3 phần, uống trong ngày hoặc có thể đun nước uống.
6. Chữa ho có đờm: Xa tiền thảo (cây mã đề) 10g, cam thảo 2g, cát cánh 2g, nước 400ml, sắc còn 150ml, chia 3 phần, uống trong ngày.
7. Chữa viêm phế quản: Mã đề tươi 150g, mướp non 5 quả; cắt nhỏ, sắc uống, ngày 1 thang, chia làm 3 phần uống, uống liền trong 5 ngày.
8. Hạ huyết áp: Mã đề tươi 30g, ích mẫu thảo 12g, hạ khô thảo 20g, hạt muồng (sao đen) 12g, sắc uống trong ngày.
9. Chữa rụng tóc: Mã đề, rửa sạch, phơi khô, đốt thành than trộn với dấm, ngâm trong 1 tuần, rồi bôi lên chỗ tóc rụng.
10. Chữa phù thũng: Mã đề tươi 30g, đại phúc bì 15g, phục linh bì 20g, đông qua bì (vỏ bí xanh) 20g. Sắc uống thay trà, uống trong ngày.
11. Chữa chảy máu cam: Mã đề 30g, rễ cỏ tranh 30g, chi tử 10g, ngó sen 15g; sắc uống, ngày 1 thang.
12. Chữa đau mắt đỏ: Mã đề tươi 15g, lá dâu 20g, kinh giới 15g, cúc hoa 10g; sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 phần uống, uống liền trong 5 ngày.
13. Chữa lỵ cấp tính và mạn tính: Mã đề tươi 30 g, rau sam tươi 30 g. sắc uống trong ngày, uống thay trà.
14. Trị viêm gan cấp tính: Mã đề, hạ khô thảo, mỗi vị 20g, nhân trần 40g, đại phúc bì 16g, đẳng sâm 12g, sắc uống ngày một thang.
15. Trị viêm gan mạn tính: Mã đề, phục linh, trạch tả, bạch truật, mỗi vị 12g, nhân trần 20g, đẳng sâm, ý dĩ, mỗi vị 16g, trư linh 8g. Sắc uống, ngày một thang.
Lưu ý khi sử dụng mã đề
Mã đề khá lành tính và an toàn với người dùng. Cùng với đó, đây là loại cỏ thuốc nam có nhiều lợi ích trong hỗ trợ điều trị bệnh, nhất là tác dụng lợi tiểu, mát gan, lợi mật. Tuy nhiên, việc sử dụng mã đề cũng không nên tùy tiện và lạm dụng. Khi dùng mã đề làm thuốc hay uống trà, cần lưu ý như sau:
Tránh dùng mã đề như trà giải khát hàng ngày: Nhiều người cho rằng mã đề có tính mát gan, lợi mật, có thể dùng phơi khô làm trà uống thay nước hàng ngày để bảo vệ gan. Tuy nhiên, việc sử dụng mã đề quá thường xuyên không tốt thậm chí là gây hại.
Tránh dùng mã đề buổi tối: Tác dụng chính của mã đề là lợi tiểu. Do vậy, tránh dùng mã đề vào buổi tối, nhất là việc sắc nước uống. Mã đề có thể khiến tiểu đêm nhiều lần, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Chính vì thế, đây cũng là loại thuốc tránh sử dụng đối với những người suy thận, yếu thận.
Thận trọng khi dùng mã đề cho phụ nữ mang thai: Mã đề không được khuyên dùng với phụ nữ mang thai giai đoạn đầu. Các thành phần trong mã đề không có lợi cho cả mẹ và bé, có thể gây sảy thai.
Mã đề có nhiều tác dụng nhưng với điều kiện là phải được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, kết hợp đúng bài thuốc. Việc sử dụng mã đề làm thuốc chữa bệnh tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia và bác sĩ.