Gạo lứt chứa nhiều chất xơ, ít chất béo tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn không đúng cách cũng có thể gây ra nhiều bệnh nguy hại cho sức khỏe.
- Cơm nguội có dấu hiệu này thì cần bỏ đi, hâm lên ăn rất dễ mắc bệnh tim, thậm chí ngộ độc
- Biết 'khó ăn' nhưng ai ăn được là thần dược, loại quả bán đầy chợ Việt phòng chống ung thư, được chuyên gia khen hết lời
Lợi ích của gạo lứt
Gạo lứt là loại ngũ cốc nguyên hạt. Có nghĩa là thành phần ban đầu của nó bao gồm: cám, mầm và nội nhũ vẫn còn nguyên vẹn. Vì gạo lứt giữ được tất cả các thành phần ban đầu nên nó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn so với gạo trắng.
Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một chén gạo lứt hạt dài đã nấu chín chứa 248 calo, 5,5 gam protein, 52 gam carbohydrate, 3 gam chất xơ và gần 2 gam chất béo.
Ngoài ra, theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có chứa hàm lượng lớn vitamin nhóm B (B1, B3, B6), cũng như chứa lượng lớn các khoáng chất vi lượng như vitamin E, sắt và chất xơ, magie, mangan,…
Loại ngũ cốc nguyên hạt này cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ sức khỏe. Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Chất chống oxy hóa đã kết luận, gạo lứt chứa nhiều loại hợp chất phenolic. Nhóm chất chống oxy hóa này có tác dụng bảo vệ các tế bào chống lại các tổn thương liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim và ung thư.
Gạo lứt được chứng minh giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu sau bữa ăn tốt hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường và thậm chí có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2. Các nhà khoa học tin rằng lợi ích này là do lớp cám của gạo lứt. Lớp cám này mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn gạo trắng. Ngược lại, điều này sẽ ngăn lượng đường trong máu tăng vọt so với tiêu thụ gạo trắng (trong đó lớp cám bị loại bỏ trong quá trình chế biến).
Ngoài ra, gạo lứt có chỉ số đường huyết (GI) tương đối thấp hơn gạo trắng, nghĩa là nó không khiến lượng đường trong máu tăng nhiều sau khi ăn như gạo trắng.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện việc tiêu thụ gạo lứt làm giảm đáng kể các dấu hiệu viêm cũng như các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác.
Ngoài việc bảo vệ tim mạch, sử dụng gạo lứt giúp hỗ trợ cải thiện cân nặng. Gạo lứt làm giảm sự hấp thụ calo do hàm lượng chất xơ và cải thiện quá trình đốt cháy calo, hai yếu tố có tác động tích cực đến việc quản lý cân nặng.
Có nên ăn gạo lứt thay hoàn toàn gạo trắng?
Mặc dù gạo lứt rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên theo các bác sĩ mỗi người chỉ nên ăn gạo lứt 2-3 lần/tuần bởi dùng thường xuyên không mang nhiều lại lợi ích, thậm chí còn gây phản tác dụng.
Trên thực tế, việc ăn quá nhiều gạo lứt dễ dẫn đến tình trạng khó tiêu. So với gạo trắng, gạo lứt chỉ có hàm lượng chất xơ và vitamin nhóm B cao hơn, nhưng để đạt được hàm lượng chất xơ mong muốn người ăn phải ăn nhiều, điều này có thể gây nên chứng khó tiêu nếu gạo lứt không được nhai hay nấu kỹ.
Ngoài ra, gạo lứt đã qua sản xuất, có chứa một lượng rất nhỏ Asen. Thu nạp quá nhiều Asen trong một thời gian dài có thể dẫn tới rất nhiều hậu quả, bao gồm ung thư thận, ung thư phổi hay sừng hóa và tổn thương da. Hầu hết các hạt gạo lứt đều chứa Asen nhiều hơn hạt gạo trắng thông thường. Do đó, người tiêu dùng nên cẩn thận với loại gạo chọn mua.
Bên cạnh một nguyên tố độc là Asen thì gạo lứt còn chứa acid phytic, một loại hợp chất không hòa tan làm ngăn cản hấp thu một số vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi khoáng.
Một trong những vấn đề khác có thể gặp phải khi ăn gạo lứt là nguy cơ dị ứng chéo. Rất nhiều hãng sản xuất đã tạo ra những sản phẩm khác nhau từ loại hạt này. Ví dụ như bột, bánh mì hay snack. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, họ thường sử dụng một thiết bị sản xuất cho nhiều sản phẩm, điều này rất dễ làm lây nhiễm chéo các chất dị ứng nguy hiểm giữa các sản phẩm.
Những đối tượng không nên sử dụng gạo lứt bao gồm người già, trẻ em, người thể trạng yếu, gầy gò, người đang hồi phục sau khi ốm, hay phụ nữ sau sinh,… do nhóm đối tượng này có thể trạng không tốt, đồng thời hệ tiêu hóa cũng không ổn định nên rất khó để hấp thu hết chất dinh dưỡng từ gạo lứt.