Ai cũng bị thuyết phục vì bài thuốc có nguyên liệu đơn giản từ đậu bắp, lại hứa hẹn đem đến những lợi ích rất tuyệt vời. Nhưng liệu đậu bắp có thật sự hiệu quả đến vậy?
- Đậu bắp không chỉ 'khắc tinh' với ung thư mà còn chữa bệnh xương khớp hiệu quả: Cách ngâm nước đậu bắp đơn giản không nên bỏ qua
- Kinh ngạc với những lợi ích thần kỳ của đậu bắp mà ít người biết
Bác sĩ TikTok chia sẻ bài thuốc chữa xương khớp bằng dịch nhờn của quả đậu bắp
Đậu bắp được biết đến với biệt danh "nhân sâm xanh" hay "vàng thực vật" bởi dù có giá thành rẻ nhưng chúng có thể đem lại nhiều công dụng đối với sức khỏe. Đặc biệt, đậu bắp khi cắt ra có nước nhờn dính. Chất nhầy này được biết đến với các lợi ích đối với hệ tiêu hóa, tăng cường năng lượng, ổn định đường huyết...
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng chất nhờn này có tác dụng chữa khô khớp vì nó cũng giống chất nhờn trong khớp. Trên mạng xã hội TikTok, thậm chí còn có một vị "bác sĩ" hướng dẫn làm bài thuốc chữa xương khớp từ quả đậu bắp.
Cách làm được vị bác sĩ này chia sẻ như sau: Lấy quả đậu bắp cắt đuôi cắt đầu. Sau đó thái mỏng đậu bắp. Đun nước nóng rồi đổ vào bát ngâm 1-2 tiếng, để nguội rồi vớt đậu bắp ra. Mọi người sử dụng loại nước này mỗi ngày 1-2 lần. Sau 1-2 tháng sẽ thấy khớp không còn cứng, không còn đau nữa.
Đoạn video trên đã nhận được rất nhiều lượt xem, chia sẻ của cộng đồng mạng. Ai cũng bị thuyết phục vì bài thuốc có nguyên liệu đơn giản, dễ làm mà hứa hẹn đem lại những lợi ích rất tuyệt vời. Nhưng liệu đậu bắp có thật sự thần thánh đến vậy?
Liệu đậu bắp có thật sự chữa được bệnh xương khớp?
Bàn về tác dụng của quả đậu bắp đối với xương khớp, ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) chia sẻ: "Thường chúng ta hay có tư tưởng ăn gì bổ đó, ăn não bổ não, ăn gan bổ gan... nên thấy đậu bắp có dịch nhờn thì nghĩ ăn vào sẽ tạo dịch khớp... Tuy nhiên, về bản chất thì không đúng vì cấu trúc của dịch nhờn trong đậu bắp và dịch khớp khác nhau".
ThS BS Đặng Ngọc Hùng nói thêm rằng, chất nhớt trong đậu bắp chính là một loại chất xơ hòa tan, chất xơ này phổ biến trong một số loại rau như rau đay, rau mồng tơi... Chất này không giúp chúng ta tạo ra dịch nhờn trong khớp gối mà chỉ giúp cải thiện đường tiêu hóa mà thôi. Bác sĩ khuyên nếu muốn bổ sung dịch nhờn trong khớp gối thì mọi người nên sử dụng một số chế phẩm đến từ omega-3, vitamin D, glucosamine...
Còn về đậu bắp, đây cũng là một nguồn thực phẩm cung cấp các vitamin, khoáng chất... cần thiết cho cơ thể, kể cả xương khớp. Do đó, các gia đình vẫn nên sử dụng đậu bắp trong bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên không nên quá thần thánh nó mà chỉ nên xem đậu bắp như các loại rau khác mà thôi.
Những lưu ý khi ăn quả đậu bắp
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Đậu bắp là cây có nguồn gốc ở Ấn độ, được trồng nhiều nơi trong nước ta. Theo Đông y, đậu bắp có vị chua, tính mát, có tác dụng giảm đau và làm dịu trong các bệnh như lậu, bí tiểu tiện, bạch đới, táo bón. Ăn đậu bắp thường xuyên có thể giúp tiêu hóa tốt và tăng cường sức đề kháng. Do đó, nếu đang bị táo bón, bạn nên bổ sung đậu bắp vào khẩu phần ăn mỗi ngày.
Mặc dù đậu bắp có tác dụng tăng cường sức khỏe cho dạ dày và tiêu hóa thức ăn nhưng cần lưu ý một số vấn đề sau khi ăn:
- Mặc dù đậu bắp tốt nhưng tiêu thụ quá nhiều cũng có thể gây hại. Mỗi người chỉ nên tiêu thụ 100-200g đậu bắp mỗi ngày.
- Người mắc bệnh đường ruột không nên ăn nhiều. Mặc dù đậu bắp tốt cho dạ dày, kích thích tiêu hóa nhưng người đang mắc bệnh về đường ruột lại không nên ăn nhiều do đậu bắp có chứa fructan - một dạng carbohydrate có thể gây ra tình trạng tiêu chảy.
- Người đang mắc bệnh sỏi thận không nên ăn đậu bắp. Trong quả đậu bắp có chứa một lượng oxalate lớn dễ tạo nên sỏi thận với dạng calcium oxalate. Do đó người mắc bệnh sỏi thận không nên tiêu thụ loại thực phẩm này.
- Vì đậu bắp chứa ít chất xơ thô nên một số chất dễ bị oxy hóa ở nhiệt độ cao. Tốt nhất không nên nấu đậu bắp quá chín mà chỉ cần chần qua nước là đủ, nấu chín vừa không ngon lại giảm dinh dưỡng.
- Đậu bắp là loại rau có tính lạnh, những người bị suy nhược đường tiêu hóa và lạnh bụng, chức năng kém, thường xuyên bị tiêu chảy không nên ăn nhiều.