Phát hiện một vài loài cá mập đang dùng vây để "đi bộ" trên cạn và tiến hóa để thích nghi với môi trường trên cạn.
- Loài cá có hình dáng quái vật, cực độc nhưng giá một con lên đến chục triệu, dân tình vẫn săn lùng
- Những vụ mất tích tập thể bí ẩn nhất lịch sự nhân loại tới nay vẫn chưa có lời giải
Bạn có bao giờ nghĩ tới việc, có một loài sinh vật đang tiến hóa để chuyển môi trường sống từ đại dương lên bờ hay không? Nghe có vẻ khó tin, nhưng gần đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế sau 12 năm nghiên cứu đã phát hiện có một loài vật đang tiến hóa để thích nghi với môi trường sống trên cạn.
Cụ thể, các nhà khoa học từ Đại học Queensland ở Australia, Hoa Kỳ, Indonesia và các quốc gia khác đã phát hiện ra rằng một số loài cá mập ở gần Australia và New Guinea đã thực sự tiến hóa để dần thích nghi với môi trường sống trên cạn. Và chúng đang ở trong giai đoạn tiến hóa để thích nghi với việc thủy triều xuống.
Loài cá mập này được cho là đã phân nhánh từ tổ tiên cách đây 9 triệu năm. Loài mới nhất có thể đã tiến hóa để đi bộ dưới đáy biển cách đây khoảng 2 triệu năm. Điều này khiến chúng trở thành loài cá mập có thời gian tiến hóa gần đây nhất.
Sự tiến hóa này khiến chúng ta có cái nhìn hoàn toàn mới về lịch sử tiến hóa của loài cá mập. Như chúng ta đã biết, cá mập là loài nguyên thủy và cổ đại, theo những mẫu hóa thạch được tìm thấy, có hơn 1200 loài cá mập đã xuất hiện trong 400 triệu năm. Thực tế, hầu hết tất cả các loài cá mập đều chưa tiến hóa nhiều, và nhiều loài trong số chúng được coi là những hóa thạch sống.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu này có 9 loài cá mập epaulette ở vùng biển ven biển gần phía bắc Australia và New Guinea khi thủy triều rút, chúng sử dụng vây ngực và vây bụng để "đi bộ" ở vùng nước nông và tìm kiếm con mồi như cua, tôm và cá nhỏ, cỏ biển trong các rạn san hô. Nhờ sự linh hoạt, những loài cá mập này đang dần trở thành kẻ săn mồi hàng đầu trong các rạn san hô nông khi thủy triều xuống.
Nếu nhìn vẻ ngoài, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là những con tắc kè đang đi dạo hơn là loài cá mập vốn nổi danh hung thần của đại dương. Chúng có chiều dài trung bình khoảng 100cm. Nhà khoa học Christine Dudgeon đến từ trường Đại học Queensland, Australia, chia sẻ: “Khả năng chịu đựng môi trường oxy thấp và đi trên vây của loài này giúp chúng có lợi thế vượt trội so với những loài giáp xác nhỏ và động vật thân mềm”.
Thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học hy vọng con người hiểu lý do tại sao một số loài động vật thay đổi và thích nghi theo thời gian, trong khi có những loài khác lại giữ nguyên.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc đi lại bằng vây của những con cá mập trong môi trường ít oxy có thể là do chúng đã ở trong một khu vực riêng biệt cách đây hàng triệu năm và đã phát triển thành một loài mới.
Một lý do khác được đưa ra là có thể là do sự thay đổi của đại dương, bao gồm cả sự lên xuống của mực nước biển, dòng hải lưu và sự thay đổi nhiệt độ. Vì thế, cá mập epaulette phải nhanh chóng thích nghi với môi trường năng động này. Do đó chúng đã phát triển khả năng đi lại ở vùng nước nông.
Dù vậy, chúng ta cũng không cần phải sợ hãi những con cá mập đang tiến hóa để lên bờ này, vì những loài cá mập này tương đối nhỏ, chúng có chiều dài trung bình là một mét, và không hề đe dọa đến con người.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, sự phát triển của loài cá mập đi bộ đang bị đe dọa do sự hủy hoại môi trường sống và việc đánh bắt quá mức. Những tác động của con người có thể dễ dàng khiến cho chúng tuyệt chủng trước khi có thể tiến hóa để thích nghi hoàn toàn với cuộc sống trên cạn.
Hoặc chúng có thể trở thành "mồi" của con người hoặc con người sẽ "bế" chúng tới các vườn thú và phòng thí nghiệm.