Có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên cho con uống sữa trước giờ đi ngủ hay không. Dưới đây là những lý giải của chuyên gia dinh dưỡng.
- Trẻ cáu kỉnh, ăn vạ: Mắng hay làm ngơ để con tự xử lý?
- Khi trẻ bị sốt cao bất thường: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện y học ứng dụng, trong quá trình tiếp nhận bệnh nhi tới khám dinh dưỡng, bác sĩ luôn nhận được những câu hỏi thắc mắc của các mẹ: "Có nên cho con uống sữa trước giờ ngủ hay không?".
Theo đó, có những bà mẹ nêu quan điểm không nên cho con uống sữa trước giờ ngủ vì bụng quá no khiến trẻ khó ngủ và dễ xảy ra hiện tượng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, có một quan điểm trái chiều đó là cần phải cho trẻ uống sữa trước khi đi ngủ vì no bụng sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Bác sĩ Sơn cho biết, một đứa trẻ uống sữa trước giờ ngủ sẽ giúp chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Do trong sữa có tryptophan và melatonin có thể giúp trẻ dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Tryptophan là một axit amin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có chứa protein.
Hợp chất tryptophan có vai trò quan trọng trong việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Serotonin giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường thư giãn và hoạt động như một tiền chất trong việc sản xuất hormone melatonin giúp cải thiện giấc ngủ và tâm trạng.
Bên cạnh đó, bác sĩ Sơn cũng lưu ý cha mẹ không nên cho trẻ ăn uống quá sát giờ ngủ. Điều này về lâu dài sẽ gây ra những hệ luỵ về sức khoẻ cho trẻ. Gần giờ đi ngủ, sự trao đổi chất của trẻ thấp hơn. Nếu có một bữa ăn vào thời điểm này, cơ thể sẽ đốt cháy ít calo hơn. Lượng calo thừa sau đó sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo. Nếu giữ thói quen ăn sát giờ đi ngủ, trẻ sẽ tăng cân do ăn quá nhiều, dẫn đến thừa cân hoặc béo phì.
Ngoài ra, một bữa ăn gần với giờ ngủ sẽ khiến cho hệ tiêu hoá không tiêu hoá kịp, dịch vị tiết ra nhiều hơn bình thường trong giấc ngủ của trẻ gây ứ đọng, đầy hơi - trướng dạ dày, dẫn đến hiện tượng trào ngược lên thực quản, dịch này rỉ vào họng, rồi tràn tới thanh quản. Với tình trạng dịch vị của dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên, về lâu dài có thể gây viêm thực quản dẫn đến ho.
"Ăn quá no hoặc thời gian ăn gần giờ đi ngủ gặp ở cả người lớn nhưng rõ nhất là ở trẻ em. Những trẻ gặp phải tình trạng này thường có biểu hiện bị ho về đêm, thậm chí cả ban ngày khi nằm nghỉ, chơi hay ngủ. Thậm chí có trẻ còn bị trào ngược lên tận mũi gây viêm mũi kéo dài", bác sĩ Sơn lưu ý.
Thêm vào đó, vị chuyên gia cho biết không nên cho trẻ ăn quá khuya. Đặc biệt trong những ngày Tết vẫn cần phải duy trì lịch sinh hoạt đều đặn cho trẻ nhỏ, tuân theo giờ ăn chính thông thường với thời gian ăn nhẹ lành mạnh ở giữa. Ví dụ, cho trẻ ăn sáng lúc 7 giờ sáng, bữa phụ lúc 10 giờ sáng, bữa trưa lúc 1 giờ chiều, bữa phụ buổi chiều lúc 4 giờ chiều và bữa tối lúc 7 giờ tối, không có bữa ăn khuya.
Bên cạnh việc ăn uống, chuyên gia cũng lưu ý các bậc phụ huynh dù du xuân hay đi chúc Tết cũng cần phải bố trí thời gian hợp lý để trẻ được nghỉ ngơi, tránh việc bắt trẻ phải thức quá khuya hoặc bỏ qua giấc ngủ trưa. Điều này sẽ không tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.
Để trẻ có một sức khoẻ, miễn dịch tốt trong cả thời gian nghỉ lễ, cha mẹ cần duy trì chế độ ăn cân đối, nghỉ ngơi và vận động phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đối với những gia đình sống tại miền Bắc, khi trời lạnh, nếu đưa trẻ ra ngoài cần mặc ấm để tránh cảm lạnh.