Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF đều cho rằng sữa mẹ nên là thực phẩm duy nhất cho trẻ sơ sinh trong sáu tháng đầu đời.
- Cảnh báo: Dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm A/H1N1 trở nặng ở trẻ, cha mẹ cần đặc biệt chú ý
- Chăm sóc trẻ bị bệnh cúm mùa thế nào cho nhanh khỏi? Dấu hiệu cần đưa trẻ đến viện ngay
Sữa mẹ là một trong những loại thực phẩm quan trọng có liên quan đến một loạt lợi ích sức khỏe của trẻ, từ việc giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và bệnh tiểu đường Loại 1 đến chống nhiễm trùng.
Tuy nhiên, bất chấp vai trò quan trọng của nó trong việc duy trì loài người, sữa mẹ lại là chủ đề của rất ít nghiên cứu, đặc biệt là khi so sánh với các khía cạnh khác của chế độ ăn uống và sinh sản.
Vào ngày 6 tháng 4, Đại học California San Diego (UCSD) chính thức khánh thành Viện Sữa mẹ, tổ chức học thuật đầu tiên ở Hoa Kỳ dành cho yếu tố quan trọng trong dinh dưỡng của con người mà khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu được.
Giám đốc Viện Sữa mẹ, Lars Bode, cho biết: “Tôi thấy thật thú vị khi chúng ta biết rất ít về nó. Làm thế nào mà lại có một con đường sinh học hoàn toàn trong cơ thể người, nếu bạn đưa điều này vào sách giáo khoa sinh học, bạn sẽ có một trang trống?”
Theo một báo cáo năm 2018 của Unicef, khoảng 95% trẻ sơ sinh sử dụng sữa mẹ vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Unicef đều cho rằng đây nên là thực phẩm duy nhất cho trẻ sơ sinh trong sáu tháng đầu đời.
Mặc dù nhiều trẻ sơ sinh nhận được sữa thông qua việc bú mẹ, nhưng lợi ích vẫn được tính tới nếu nó đến từ bình sữa hoặc ống dẫn sữa của bệnh viện.
Giá trị của sữa mẹ đối với loài người chúng ta không có gì bí mật, nhưng nhiều câu hỏi về nó vẫn chưa được giải đáp.
Trong số đó: tại sao sữa được sản xuất từ cơ thể con người lại có những lợi ích không có trong công thức được thiết kế để mô phỏng giống nhất có thể? Tại sao nguồn cung cấp sữa rất khác nhau giữa các phụ nữ và giữa các lần mang thai?
Trong một cuộc nói chuyện trên TED năm 2018, Katie Hinde, giám đốc Phòng thí nghiệm so sánh sữa mẹ tại Đại học Bang Arizona, cho biết Thư viện Y khoa Quốc gia có nhiều nghiên cứu dành cho cà chua hơn là sữa mẹ.
Tại UCSD, ba thành phần chính của viện mới bao gồm phòng thí nghiệm của Bode, Trung tâm Nghiên cứu Vượt trội về Sữa mẹ-Trẻ sơ sinh; Ngân hàng Sữa Y tế UC, đã phân phối gần 600 lít sữa mẹ được quyên góp vào năm ngoái. Đồng thời còn có kho lưu trữ sinh học nghiên cứu sữa mẹ, nơi lưu giữ hơn 50.000 mẫu sữa mẹ được hiến tặng để sử dụng trong nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ Lisa Stellwagen, một trong những giám đốc của Viện Sữa mẹ cho biết: “Có rất nhiều sữa đến đây, chúng tôi thực sự có thể thúc đẩy nghiên cứu”.
Việc có thể ngay lập tức hiểu được cách mà các tác nhân gây bệnh ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm cho trẻ sơ sinh là rất quan trọng. Đồng thời bà nói thêm rằng trong một tình huống khẩn cấp, “bạn không thể ngừng cho con bú”.
Điều này trở nên rõ ràng khi Covid-19 tấn công. Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và WHO khuyến khích các bậc cha mẹ tiếp tục cho con bú, nhưng không có dữ liệu đáng tin cậy nào về việc virus có thể lây qua cho trẻ em thông qua sữa mẹ bị nhiễm bệnh.
Tiến sĩ dịch tễ học Christina Chambers, người quản lý kho mẫu sinh học, đã kêu gọi quyên góp sữa từ các bà mẹ cho con bú nghi ngờ biết mình đã bị nhiễm Covid-19.
Làm việc với phòng thí nghiệm của Bode và các bác sĩ nhi khoa về bệnh truyền nhiễm tại UCLA, họ đã có thể xác định rằng vi rút Sars-CoV-2 không được phát hiện trong các mẫu sữa được thu thập từ các bà mẹ nghi ngờ mình đã bị nhiễm bệnh hoặc số lượng virus có mặt trong các mẫu sữa rất ít, không đủ để lây nhiễm cho trẻ sơ sinh.
Trước đó WHO cũng đã nói rằng việc tiếp tục cho con bú là an toàn.
Bà Chambers, một trong những giám đốc điều hành của Viện sữa mẹ cho biết việc có thể phân tích tác động của các loại thuốc, bệnh và vắc-xin mới đối với sữa mẹ là điều cần thiết.
Bên cạnh đó bà Stellwagen cho rằng sự thiếu một chuyên ngành đặc biệt về sữa mẹ “thực sự là một lỗ hổng”.
Ông Bode đã ngạc nhiên vì một nghề nghiệp có hơn 160 chuyên ngành và phân ngành mà không có một chuyên ngành nào được gọi là “lactology” (tạm dịch: khoa học sữa mẹ).
Để chuyển đổi nghiên cứu tại Viện Sữa mẹ thành cải thiện thực tế về sức khỏe của các em bé và mẹ, sẽ đòi hỏi sự thay đổi xa hơn so với những gì đang được thực hiện tại đây.
Theo South China Morning Post