Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh trong những tuần đầu tiên hay vặn mình, ngủ không sâu giấc. Một vài gợi ý dưới đây của bác sĩ Nhi sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng này.
- Điểm danh những đồ dùng cần thiết mẹ nên mua cho trẻ sơ sinh để yên tâm 'vào ổ'
- Dị ứng sữa bò ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu và cách phòng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ Nhi
Vì sao trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Vặn mình khi ngủ là thói quen thường gặp ở nhiều trẻ sơ sinh. Nhiều người quan niệm, trẻ sơ sinh vặn mình, rướn mình khi ngủ chứng tỏ bé đang phát triển. Không gian nhỏ hẹp trong bụng mẹ khiến trẻ không có điều kiện cử động nhiều trong những tuần cuối thai kỳ. Vì vậy, sau khi chào đời, trẻ thường vặn mình trong khoảng 5 – 6 tuần đầu sau sinh.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, trẻ hay vặn mình, khó ngủ có thể là dấu hiệu của nhiều nguyên nhân khác nhau. Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) lý giải hiện tượng trẻ sơ sinh bỗng dưng khó ngủ, vặn mình, khó chịu có thể xuất phát từ một trong các nguyên nhân: Trẻ đói, trẻ nóng nực, trẻ hiếu động quá mức trước giờ đi ngủ hoặc trẻ bị thiếu vitamin D.
Như vậy, trẻ vặn mình, ngủ không sâu giấc không phải là dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang phát triển theo quan niệm dân gian. Đây có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của trẻ không bình thường, mẹ cần kiểm tra cẩn thận.
Làm gì khi trẻ vặn mình, ngủ không sâu giấc?
Hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh nếu để lâu dài có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt bình thường của bé. Trường hợp trẻ thiếu vitamin D có thể dẫn đến còi xương, chậm lớn và nhiều mối nguy hại khác. Theo lời khuyên của Bác sĩ Trương Hữu Khanh, mẹ hãy kiểm tra nguyên nhân trẻ hay vặn mình là gì để tìm cách khắc phục.
Trường hợp trẻ khó ngủ, có thể do trẻ phải nằm trên nệm cứng hoặc gối đầu quá cao, tư thế ngủ không thoải mái. Phòng ngủ của trẻ không được thông thoáng, ít ánh sáng khiến trẻ bức bối, khó chịu. Khi trẻ ngủ, mẹ có thể chèn thêm gối để trẻ ngủ yên giấc hơn.
Nếu trẻ vặn mình kèm thêm các hiện tượng quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, rụng tóc vành khăn... rất có thể trẻ bị thiếu vitamin D. Mẹ cần bổ sung vitamin D kịp thời cho trẻ theo liều lượng hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với trẻ trên 1 tuổi, mẹ nên định kỳ xổ giun cho trẻ 6 tháng/lần. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ nên hạn chế thời gian trẻ xem tivi và các thiết bị điện tử (smartphone, iPad…) để tăng chất lượng giấc ngủ. Trong quá trình theo dõi thể trạng sức khỏe của con, mẹ có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được tư vấn kịp thời.