Người lớn ít giao tiếp với trẻ nhỏ khi chúng đang ở độ tuổi tập nói, cho trẻ sử dụng điện thoại, ti vi quá nhiều chính là một trong những căn nguyên dẫn đến các bệnh rối loạn thần kinh ở trẻ em, nhất là chứng tự kỷ ở hàng loạt trẻ dưới 5 tuổi.
- Cậu bé khóc lóc vật vã khi thấy bác sĩ, đến lúc tiêm lại tỉnh bơ đến bất ngờ, nhưng đây mới là sự thật
- Cảnh báo tới các mẹ đang cho con dùng ti giả: 4 bé sơ sinh ngộ độc từ ti giả chứa mật ong
Chị N.N - một bà mẹ trẻ tại Bình Định vô cùng lo lắng khi thấy con mình là bé B.T có các triệu chứng bất thường, quấy nghịch nhiều, đến 3 tuổi mà vẫn chưa biết nói.
Ông bà dùng điện thoại để dỗ khiến cháu 5 tuổi chưa biết nói
Sau khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), con chị N. được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng này có thể do sử dụng điện thoại, ti vi và ít giao tiếp nói chuyện của người lớn với trẻ nhỏ.
Theo lời chị N., 6 tháng sau nghỉ sinh đẻ, chị quay trở lại công việc tại cơ quan. Chị để con nhỏ cho ông bà chăm sóc, một phần do ít giao tiếp tập nói cho bé, lại phụ thuộc vào ti vi, điện thoại để dỗ dành cháu. Hiện giờ bé gần 5 tuổi nhưng vẫn chưa nói được nhiều, có nhiều vấn đề về hành vi nhận thức…
“Ngày biết con bị tự kỷ, gia đình cũng hốt hoảng và lo lắng lắm! Để con mắc chứng rối loạn tâm lý, tự kỷ như này lỗi một phần do bản thân mình. Ngày mang bầu bé T., mình bị động thai hai lần, thêm một vài lần ốm nghén lặt vặt, phải nghỉ làm 2, 3 tháng để dưỡng thai. Sau sinh vì hết thời gian nghỉ sinh, cũng ham trở lại công việc sớm nên bỏ bê con cái cho ông bà chăm.
Những lúc cháu quấy khóc, ông bà hay mở ti vi hay điện thoại cho cháu xem, miết nên cháu quen. Đến lúc chúng đang ở tuổi tập nói thì người lớn xung quanh không ai tập cháu nói, không giao tiếp với chúng nên chúng không tự giác học nói. Bản thân mình thì không có nhiều thời gian cho con nên cháu ít được nghe để bắt chước, mãi không thấy cháu biết nói, gia đình mới cho đi bệnh viện thì biết cháu tự kỷ, rối loạn tâm lý” – Chị N. tâm sự.
Gặp chị N. tại khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương khi vừa đi mua vội suất cơm 20.000 đồng cho cả 2 mẹ con ăn bữa tối, chị vừa đi vừa chia sẻ thêm về quãng ngày cùng con đi khắp nơi chữa bệnh tự kỷ, sau khi thăm khám ở Sài Gòn, bé được các bác sĩ tư vấn chế độ sinh hoạt và rèn luyện để khắc phục dần nhưng về nhà theo dõi mãi bé vẫn không có tiến triển.
Hơn 3 tuổi, gia đình bé T. sau khi được giới thiệu về trung tâm nuôi dạy trẻ mắc chứng bệnh đặc biệt ở thành phố Bình Định, anh chị thay phiên nhau lặn lội mỗi ngày 60km chở con theo học với mong mỏi con nói và nhận thức được.
“Bé đến lớp học đặc biệt ở thành phố cũng quấy nghịch nhưng phần lớn là thích chơi một mình, khó hòa đồng được cùng các bạn. Tại lớp học, sau khi được cô giáo hướng dẫn theo các ký hiệu, cháu có tiếp thu và nhận biết. Cùng với việc kết hợp tập nói cho ở nhà, cháu đã dần dần nói được từng chữ một”- Chị N. nói.
Cũng theo người mẹ kể lại, vì quãng đường từ huyện An Nhơn của nhà chị N. cách quá xa lớp học tại thành phố Bình Định nên anh chị chỉ duy trì được việc đưa bé đến lớp vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Cũng tại lớp học này, chị tìm hiểu được cơ sở chữa bệnh ở Bệnh viện Châm Cứu Trung Ương (Hà Nội), sau ngày đó, anh chị tập trung nghỉ phép và đưa cháu ra Hà Nội điều trị, việc học tập ở lớp học đặc biệt của bé T. lại trở nên dang dở.
Thời gian của mỗi liệu trình điều trị tại Hà Nội là 25 ngày, sau đó T. trở về nhà, vì không thể theo được lớp học đặc biệt nên bé được ba mẹ gửi vào lớp học trường mầm non địa phương. Những tưởng ở đây bé sẽ hòa nhập cùng trang lứa, nhưng mỗi ngày đến lớp, cháu không tiếp xúc với bất kể ai, thường xuyên chơi một mình “một thế giới”, ngay cả giáo viên phụ trách lớp cũng khó có thể hợp tác.
Muốn đưa con ra cộng đồng để có thể nghe và nói được nhiều hơn
Đối với trường hợp bệnh nhi B.T., qua quá trình điều trị và thăm khám, các bác sĩ khẳng định, trường hợp như cháu T. mắc chứng tự kỷ, rối loạn tâm lý do ngay từ khi nhỏ, người lớn đã rất ít khi giao tiếp trò chuyện và tập nói cho bé, thêm nữa sức khỏe và tâm lý của bé bị tác động bởi việc cho bé xem ti vi và điện thoại ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi.
Tại Bệnh viện Châm Cứu Trung Ương, sau 2 liệu trình điều trị, cháu T. đã có đôi chút cải thiện rõ rệt, bé bắt đầu nói được nhiều câu hơn. Chị N. chia sẻ: “So với 3 bé Bình Định ra Hà Nội chữa bệnh thì bé T. nhận thấy có cải thiện hơn các bạn, bé nói được nhiều hơn, nhưng lười nói, chỉ khi nào mẹ hoặc ai hỏi thì con mới nói, chỉ nói một từ. Tôi cũng đang cố gắng luyện nói chuyện với cháu nhiều hơn để ngôn ngữ cháu thêm linh hoạt”.
Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Văn Tâm – Trưởng Khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ, bé T. là một trong những bệnh nhi mắc chứng rối loạn tâm lý tự kỷ, có biểu hiện phản xạ ngôn ngữ kém linh hoạt, chậm nói… May mắn là bé chịu khó hợp tác nên sau 2 đợt trị liệu đã được cải thiện rõ rệt.
Chia sẻ về phương pháp chăm sóc một đứa trẻ rối loạn tâm lý và tự kỷ, chị N. không giấu giếm, “Ngoài việc cho bé đến lớp mầm non để sinh hoạt cùng cô giáo và các bạn, chị tích cực cho bé ra ngoài cộng đồng, tiếp xúc với nhiều người hơn để cháu mạnh dạn và được nghe được nói nhiều, kết hợp cùng với việc ba mẹ sẽ thay nhau nói chuyện với con.
Về chế độ ăn uống cho bé T., gia đình không có chế độ sinh hoạt đặc biệt nào cho riêng bé, mỗi lần ăn cơm, mẹ cho bé tự ăn. Trường hợp ngoại lệ, mẹ mới cho phép mình đút cho con ăn, mẹ muốn T. tự lập mọi thứ có thể”.
Tính đến thời điểm hiện tại, bé T. đang được điều trị liệu trình đợt 2, các bác sĩ của bệnh viện vẫn tích cực chăm sóc bệnh nhi bằng nhiều phương pháp trị liệu tuần tự như: Điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại, tập luyện vận động, cấy chỉ, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhi...