Muốn biết trẻ em cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày, mẹ nên nghe lời khuyên của bác sĩ nhi

Chăm sóc con 16/02/2018 15:18

Trẻ em cần bổ sung nước ở tháng thứ mấy và cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày luôn là thắc mắc chung của nhiều chị em. Mẹ hãy nghe hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa để cho con uống nước đúng cách.

Lượng nước chiếm hơn 70% thể tích cơ thể người lớn và cao hơn nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những ngày hè nóng bức, nhiều bà mẹ sợ con khát nên thường bổ sung nước cho con. Tuy nhiên, chị em cần đặc biệt lưu ý lượng nước uống mỗi ngày của trẻ em để tránh cho con uống nước một cách phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe non nớt của bé.

Trẻ em cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi

Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng duy nhất chính là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Thời điểm này, mẹ không cần bổ sung nước cho con mà chỉ cần cho bé bú sữa hoàn toàn là đã cung cấp đủ lượng nước cho bé.

Muốn biết trẻ em cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày, mẹ nên nghe lời khuyên của bác sĩ nhi - Ảnh 1
Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú mẹ là đã có đủ lượng nước cung cấp cho cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Sữa mẹ chính là nước. Nếu chị em sợ con thiếu nước thì cứ cho bé bú mẹ. Trường hợp con đang bú bình vẫn tiếp tục cho bú bình, không cần bổ sung nước”.

Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi

Đối với trẻ hơn 6 tháng tuổi, nếu bé bú được lượng sữa khoảng 100ml nhân với cân nặng trở lên thì mẹ không cần bổ sung thêm nước. Trẻ nhỏ uống nước mát miệng sẽ không chịu uống sữa, uống nhiều nước sẽ không chịu uống sữa” – Bác sĩ Khanh thông tin.

Trường hợp bé không bú đủ lượng sữa theo nhu cầu, mẹ nên bổ sung lượng nước cho con. Ví dụ: Bé cân nặng 9kg sẽ cần bú khoảng 900ml sữa. Nếu bé chỉ mới uống khoảng 700ml sữa, mẹ cần bổ sung thêm 200ml nước một ngày cho con. Mẹ có thể cho bé uống nước sôi để nguội, nước quả tươi hoặc nước rau luộc...

Trẻ trên 1 tuổi

Trẻ từ một tuổi trở lên, lượng nước bé cần uống mỗi ngày tùy thuộc vào cân nặng. Trẻ cân nặng 10kg trung bình một ngày cần một lít nước. Nếu trẻ nặng trên 10kg thì cứ mỗi 1kg cần uống thêm 50ml nước. Tuy nhiên, mẹ cần ưu tiên lượng sữa 500ml trước rồi mới bổ sung theo cân nặng.

Muốn biết trẻ em cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày, mẹ nên nghe lời khuyên của bác sĩ nhi - Ảnh 2
Trẻ trên 1 tuổi lượng nước bổ sung dựa theo cân nặng nhưng cần ưu tiên 500ml sữa trước - Ảnh minh họa: Internet

Công thức tính lượng nước uống hàng ngày cho trẻ được khái quát như sau: 

Lượng nước uống (ml) = 1.000ml + n x 50

Trong đó, n là số cân nặng của trẻ trừ đi 10 (n-10)  tính theo đơn vị kg.

Ví dụ: Bé cân nặng 11kg cần uống lượng nước: 1.000 + 1x50 = 1.050ml. Nếu bé đã uống 500ml sữa thì lượng nước cần bổ sung thêm là: 1.050 – 500 = 550ml.

Trẻ trên 10 tuổi

Muốn biết trẻ em cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày, mẹ nên nghe lời khuyên của bác sĩ nhi - Ảnh 3
Trẻ trên 10 tuổi nhu cầu nước uống tương đương với người lớn - Ảnh minh họa: Internet

Lượng nước uống của bé lúc này bằng với nhu cầu của người lớn: Dao động từ 2 – 2,5 lít/ngày.

Những dấu hiệu chứng tỏ bé thiếu nước

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Trong khoảng 4 – 6 giờ đồng hồ mẹ không thấy bé đi tiểu chứng tỏ bé đang rơi vào tình trạng thiếu nước. Mẹ nên cho bé bú 2 – 3 tiếng/lần để bổ sung lượng nước cho cơ thể bé. Trường hợp con vẫn đi tiểu rất ít khi đã tăng số lần bú, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết lượng nước chính xác cần cho bé uống.

- Trẻ trên 6 tháng tuổi: Số lần đi tiểu của bé ít hơn 6 lần/ngày.

- Trẻ trên 2 tuổi: Không đi tiểu trong vòng 6 – 8 giờ, trẻ có dấu hiệu thiếu nước. Ngoài ra, nước tiểu sẽ có màu vàng đậm. (Ở trạng thái bình thường, nước tiểu của bé có màu trong, vàng nhạt). Bên cạnh đó, bé sẽ có một số biểu hiện như: Môi khô; Khi bé khóc không có nước mắt hoặc có rất ít; Bé hay khóc vì cảm giác đau cơ, phần thóp trên đầu bị lõm.

Chuyên gia cảnh báo trẻ dễ bị hóc dị vật, chấn thương mắt dịp Tết

Dịp Tết, cũng là thời điểm nhiều trẻ nhỏ bị hóc dị vật như thạch, hạt dưa, hạt hướng dương... đồng thời trẻ cũng có thể gặp các chấn thương khác do sự bát cẩn của người lớn.

TIN MỚI NHẤT