Nếu phát hiện con hay nghiến răng kèn kẹt nhất là trong lúc ngủ, bố mẹ đừng vội lo lắng mà hãy tìm hiểu nguyên nhân là gì và khi nào thì trẻ ngừng nghiến răng.
Tật nghiến răng là hiện tượng hay gặp ở trẻ nhỏ khiến cho các bậc cha mẹ lo lắng. Đây là hiện tượng khi trẻ thường xuyên nghiến hoặc siết chặt hai hàm răng trên và dưới một cách quá mức, có thể phát ra tiếng ken két hoặc không. Nghiến răng thường diễn ra vào lúc ngủ, nhất là khi trẻ ngủ sâu, đặc biệt hay xảy ra khi trẻ mới bắt đầu ngủ. Đôi khi cha mẹ cũng thấy trẻ nghiến răng ban ngày và điều này khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nha khoa LouAnn Visconti, chủ tịch Hiệp hội Nha khoa Ontario (Canada), hiện tượng nghiến răng xảy ra khá phổ biến ở trẻ mới tập đi và thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trên thực tế, nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng nghiến răng ở trẻ nhỏ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân chính thường liên quan đến tật nghiến răng ở trẻ như sau:
- Do các răng hàm trên và hàm dưới mọc không đều, răng không thẳng hàng dẫn đến chỗ tiếp xúc giữa 2 hàm răng không ăn khớp nhau làm trẻ vướng bận, khó chịu. Theo phản xạ, hai hàm răng sẽ có xu hướng cọ xát vào nhau và nghiến chặt lại, và nghiến răng sẽ làm trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Đau do mọc răng hoặc nhiễm trùng tai cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ phải nghiến răng để bớt khó chịu.
- Trẻ cũng nghiến răng khi bị căng thẳng hay lo lắng. Nghiến răng được xem là phản ứng đối với sự căng thẳng thần kinh và phần lớn là ở những trẻ có hệ thần kinh dễ bị kích thích. Ví dụ trẻ có thể phản ứng khi trong nhà có sự thay đổi lớn, trẻ có em mới, trẻ đang lo lắng về bài kiểm tra, hoặc cãi nhau với anh chị em bằng cách nghiến chặt hàm hoặc nghiến răng khi ngủ.
- Một nguyên nhân đơn giản khác có thể là vì trẻ thích thú với âm thanh phát ra khi nghiến răng và cảm giác mới mẻ khi khám phá ra hiện tượng này. Nhưng khi sự hào hứng qua đi thì trẻ cũng sẽ tự ngừng nghiến răng.
Cha mẹ không cần lo lắng thái quá, bởi trẻ càng lớn thì càng bớt nghiến răng. Thông thường trẻ sẽ hết nghiến răng tự nhiên khi trẻ lên 6 tuổi hoặc sau khi các răng vĩnh viễn mọc đầy đủ. Bác sĩ Visconti cũng cho biết chuyển động siết hoặc nghiến hai hàm răng cũng không mấy dễ chịu nên trẻ cũng sẽ tự bỏ sau một thời gian. Nếu cha mẹ thấy con nghiến răng ban ngày thì có thể yêu cầu bé dừng lại và không tiếp tục làm như vậy nữa. Và nếu cha mẹ cho rằng nguyên nhân là do bé đang căng thẳng thì có thể thực hiện một số hoạt động giúp bé thư giãn trước khi đi ngủ.
Hiện tượng nghiến răng có thể không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Nghiến răng nếu chỉ nhẹ thôi thì không cần chữa trị, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng vì hầu hết trẻ sẽ tự bỏ tật nghiến răng. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ nghiến răng mạnh đến mức làm vỡ men răng, sứt mẻ hoặc dần dần làm mòn men răng. Lúc này cha mẹ cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để giúp bé cải thiện tình hình. Nếu nghiến răng làm tổn thương nghiêm trọng đến răng của trẻ hoặc gây ra các triệu chứng khác như đau đầu hoặc đau tai, bé sẽ cần dụng cụ bảo vệ răng miệng do các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn.
Nếu trẻ sau 6 tuổi vẫn không bỏ được tật nghiến răng thì rất có thể độ tuổi 10-12 sẽ là thời điểm phù hợp để từ bỏ. Nếu sau mốc thời gian này mà trẻ vẫn nghiến răng thì cha mẹ nên tìm hiểu xem bé có đang bị căng thẳng tâm lý hoặc gặp vấn đề gì lo lắng ở trường hay không, liệu bé có bị bạn bắt nạt hay gặp rắc rối với mối quan hệ bạn bè nào không. Bởi nghiến răng kéo dài có thể đưa đến những hậu quả xấu tới hệ thống răng, cơ hàm của trẻ khi lớn lên, có thể dẫn đến hiện tượng đau quai hàm, đau thái dương, đau đầu nghiêm trọng.