Nhiều cha mẹ né tránh và lo lắng khi trò chuyện với con về các chủ đề liên quan đến tình dục. Tuy nhiên đó lại là vấn đề quan trọng cha mẹ cần định hướng cho con ở một độ tuổi phù hợp.
Cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con từ độ tuổi nào?
Trên thực tế, không có tiêu chuẩn về độ tuổi chính xác để giáo dục giới tính cho trẻ. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý - y tế đều khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ về khác biệt giới tính trong độ tuổi từ 2 - 3 tuổi.
Lý do là theo quy luật phát triển tâm lý của trẻ, trẻ sẽ dần hình thành nhận thức về giới tính khi 2 - 3 tuổi và sẽ sử dụng chính xác danh xưng “bé trai” hoặc “bé gái” khi 3 tuổi.
Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan và cho rằng không cần thiết dạy giáo dục giới tính cho trẻ quá sớm. Ngay khi trẻ đã có thể nhận biết được sự khác biệt về giới tính, cha mẹ có thể bắt đầu dạy những kiến thức giáo dục giới tính phù hợp cho trẻ.
Cha mẹ cần lưu ý gì khi giáo dục giới tính cho con?
Tạo môi trường an toàn cho trẻ
Cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe tình dục ở trẻ em là cung cấp một môi trường an toàn để chúng có thể phát triển giới tính bình thường cũng như ngăn ngừa các trường hợp lạm dụng tình dục.
Việc trải nghiệm chất lượng giáo dục giới tính được nhận thức cao hơn với cha mẹ có liên quan đến khả năng gặp một hoặc nhiều vấn đề tình dục thấp hơn.
Một môi trường an toàn xung quanh vấn đề tình dục và các cuộc trò chuyện về chủ đề này sẽ đảm bảo sức khỏe tình dục trong tương lai.
Gọi các bộ phận cơ thể bằng tên chính xác về mặt giải phẫu
Cha mẹ thường trả lời các câu hỏi của con mình với thái độ né tránh. Trong một nghiên cứu hoàn thành vào năm 2011, người ta phát hiện các bà mẹ có xu hướng tránh sử dụng các thuật ngữ giải phẫu thích hợp về cơ quan sinh dục với con mình.
Điều này gây bất lợi cho trẻ vì các thuật ngữ giải phẫu phù hợp dựa trên bằng chứng là rất cần thiết để giúp trẻ em và thanh thiếu niên đưa ra những lựa chọn an toàn, tích cực và sáng suốt về các mối quan hệ và sức khỏe sinh sản.
Ngay khi con bắt đầu học nói, phụ huynh có thể dạy con tên các bộ phận trên cơ thể. Ngay khi con bắt đầu ở cạnh những đứa trẻ khác, cha mẹ có thể dạy chúng tôn trọng người khác và nói về cảm xúc của mình. Điều này đặt nền tảng cho những mối quan hệ và ranh giới lành mạnh sau này.
Giáo dục giới tính cho con theo từng lứa tuổi
Việc giáo dục giới tính cho trẻ cần được thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các nhóm tuổi khác nhau có những mục tiêu giáo dục giới tính khác nhau.
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
Ở độ tuổi này, cha mẹ cần lựa chọn cách gọi tên phù hợp cho các bộ phận trên cơ thể của con. Đồng thời, cha mẹ có thể dạy con rằng con nên mặc quần áo hoặc che kín những bộ phận nhạy cảm và những ai có thể thay quần áo cho con.
Trước 5 tuổi
Cha mẹ cho con tìm hiểu tên và chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Cha mẹ có thể chỉ cho con sự khác biệt và giới tính giữa nam và nữ, từ đó giúp con hiểu rằng cơ thể của nam, nữ không hoàn toàn giống nhau.
Ở độ tuổi này cha mẹ cũng có thể dạy cho con cách bảo vệ không gian riêng tư của bản thân, chẳng hạn như đóng cửa khi tắm và gõ cửa trước khi vào phòng của người khác.
Giới thiệu cho trẻ các khái niệm cơ bản về mang thai và sinh con, sử dụng động vật làm ví dụ nhưng không đi sâu vào chi tiết. Chẳng hạn như con sinh ra từ bụng mẹ hoặc cho trẻ thấy các loài động vật mang bầu hoặc sinh con thế nào.
Từ 5 - 8 tuổi
Giới thiệu chung về một số thuật ngữ về cơ quan sinh sản và giúp trẻ hiểu được chức năng, cấu tạo của các bộ phận. Giới thiệu về tuổi vị thành niên cho trẻ nhưng cần lưu ý khi giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi này tuyệt đối không nên sử dụng các hình ảnh nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi.
Dạy trẻ cách từ chối sự đụng chạm hoặc tiếp cận của người khác đối với các bộ phận riêng tư. Cho trẻ tìm hiểu về những cảm xúc khác nhau như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình.
Từ 9 - 13 tuổi
Cha mẹ có thể chắt lọc các kiến thức về giới tính chuyên sâu hơn để dạy trẻ.
Từ 14 - 18 tuổi
Ở giai đoạn này, về cơ bản trẻ đã nhận thức được các vấn đề về giới tính, ý thức về mặt đạo đức và cách kiểm soát các xung động của bản thân.
Sau 18 tuổi
Khi trẻ bước vào độ tuổi trưởng thành, cha mẹ có thể dạy thêm cho con về các kiến thức an toàn sinh sản để con có thể tự bảo vệ bản thân.