Nhiều phụ huynh băn khoăn, khi con mắc lỗi cha mẹ nên an ủi trước hay để con nhận lỗi và tự có thái độ ăn năn trước người lớn?
- 7 câu cha mẹ nên nói với con khi con bị điểm kém
- Lười biếng giáo dục về tiền bạc, con nhận giá đắt từ cảnh sát, chủ nợ
Trong quá trình lớn lên, con cái sẽ mắc rất nhiều sai lầm, nhất là khi còn nhỏ sẽ có đủ thứ rắc rối hàng ngày.
Đối mặt với việc trẻ mắc lỗi, các bậc cha mẹ thường có chung một suy nghĩ, đó là vừa muốn dỗ chúng nín khóc vừa lo lắng nếu không phạt thì mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn.
Tại một trung tâm thương mại có một đứa trẻ vì nghịch ngợm mà làm đổ đồ uống vừa mua lên quần áo của mình, người mẹ nhìn thấy đã rất tức giận và mắng khiến đứa trẻ òa lên khóc.
Thấy vậy, người mẹ càng bực bội hơn và nói: “Nếu con còn khóc nữa, mẹ sẽ bỏ con ở đây, mặc kệ con luôn”.
Ảnh minh họa.
Đứa trẻ nghe mẹ nói vậy càng khó to hơn. Người mẹ quay người giả vờ bỏ đi, đứa con vội chạy theo kéo mẹ, lập tức nín khóc.
Những cảnh như thế này chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều trong đời sống và cả trên TV. Một số người chỉ trích hành vi của người mẹ không nên hù dọa đứa con như vậy, trong khi đó số khác lại cho rằng đó là hành vi rất bình thường.
Trước hết, chúng ta cần công nhận rằng, trẻ con rất nghịch ngợm, đặc biệt sau tuổi lên 2 chúng thường hay mắc những lỗi do bất cẩn. Có trẻ biết mình sai, vội vàng giải quyết hậu quả, nhưng cũng có trẻ không biết nên làm gì.
Hành vi của đứa trẻ trong câu chuyện trên thực chất là đang cố làm hài lòng mẹ mình. Nói một cách khác, trẻ đang từ bỏ lòng tự trọng của mình, cố lấy lòng người khác, từ đó làm suy giảm sự tự tin của chúng.
Cha mẹ nên làm gì khi con mắc lỗi?
Nếu trẻ khóc, là cha mẹ, chúng ta phải đứng bên cạnh trẻ ngay lập tức và cho trẻ biết rằng cha mẹ luôn ở bên. Hãy để trẻ biết rằng cha mẹ luôn yêu thương trẻ, tình yêu dành cho trẻ là vô điều kiện. Đừng nói nhiều, chỉ ôm con thôi.
Khi trẻ mắc lỗi, cảm xúc của cả 2 bên đều không ổn định. Trước tiên hãy gác lại chuyện đứa trẻ mắc lỗi, đợi một chút để bình tĩnh, tìm một nơi vắng người để cùng nhau thảo luận cách giải quyết.
Ảnh minh họa.
Ví dụ, cha mẹ có thể xử lý theo cách này:
Cha mẹ tỏ ra mình là người thấu hiểu cảm xúc của trẻ, chẳng hạn như “con cảm thấy rất sợ đúng không”, “con có thấy buồn khi mẹ mắng con không”…
Sau khi nhận được câu trả lời khẳng định của trẻ, cha mẹ hãy bày tỏ sự thông cảm đối với hành vi trẻ đang mắc lỗi như “hồi mẹ còn nhỏ, mẹ cũng từng đổ nước lên người y như con vậy, lúc đó bà ngoại rất tức giận”.
Cha mẹ giúp trẻ nghĩ ra giải pháp như “con nghĩ chúng ta có thể làm gì để ngăn việc đổ đồ uống vào lần sau?”. Có thể trẻ sẽ trả lời rằng “con sẽ bưng ly nước cẩn thận, ngồi xuống uống, không chạy lung tung nữa”.
Trừng phạt chỉ khiến trẻ ngoan ngoãn nhất thời chứ không thể khiến trẻ thực sự nhận ra lỗi lầm của mình, nếu lần sau lại mắc lỗi tương tự, trẻ sẽ không biết phải làm sao. Tác dụng của hình phạt này chỉ nhanh chóng, giải quyết được vấn đề trước mắt nhưng tác dụng là ngắn hạn, nhất thời.
Chỉ thông qua kỷ luật tích cực, giành được cơ hội hợp tác với trẻ, trẻ mới chủ động nhận ra sai lầm của mình.