Nếu bác sĩ không sớm phát hiện ra dị vật trong mũi thì bé gái 5 tuổi có thể sẽ gặp phải những biến chứng nguy hiểm đến cả tính mạng.
- Mới 3 tuổi bị sỏi đóng dày trong túi mật gây đau đớn hôn mê sâu do mẹ mua thứ này về tẩm bổ
- Mách các mẹ bầu ăn ngô theo đúng cách này con sinh ra thông minh vượt trội lại tránh được dị tật thai nhi
Người ta thường nói "trẻ con là chúa tò mò", chúng tò mò với tất cả mọi vật từ lớn đến bé ở xung quanh, chỉ cần thứ gì đó lọt vào mắt là y như rằng sẽ trở thành "món đồ chơi" và việc đầu tiên là chúng sẽ đưa lên miệng để cắn ngậm, thậm chí là nhét vào lỗ tai, lỗ mũi. Vậy nên hiện tượng trẻ nhỏ đưa một vật vào mũi và tai là việc rất dễ gặp trong đời sống hàng ngày.
Thông thường, những vật có kích thước nhỏ lọt vào lỗ tai hoặc mũi không gây khó chịu ngay lập tức nhưng nếu không được lấy ra nhanh chóng thì hậu họa rất lớn. Mà trẻ nhỏ không hề ý thức được sự thay đổi trong cơ thể mình hoặc chưa biết diễn tả ra sao, vậy nên rất cần có sự quan sát, phát hiện kịp thời từ người lớn.
Mới đây, bà mẹ Tony Rose ở Cavite, phía nam Manila, trên đảo Luzon (Philippines) suýt phải ân hận cả đời vì sự chủ quan với con gái Scarlett Chavez (5 tuổi).
Theo đó, vào khoảng cuối tháng 10, sau lễ hội Halloween, cô bé Scarlett than với mẹ rằng bị đau đầu. Cộng thêm biểu hiện mắt bé sưng lên và đỏ, chị Tony chỉ nghĩ rằng con bị dị ứng với thức ăn gì đó nên mua thuốc kháng sinh và cả thuốc giảm đau về cho con uống.
Tiếp đó, dù đã được uống thuốc nhưng cô bé Scarlett vẫn kêu khó chịu ở vùng mũi dưới mắt. Sáng 1/11, cả đôi mắt của Scarlett đỏ lựng lên, còn xuất hiện cả chất dịch chảy ra từ mũi, lúc này chị Tony mới cuống cuồng đưa con tới bệnh viện.
Chị kể: "Tối hôm 31/10, con bé không ngủ được và liên tục khóc. Sáng hôm sau, khi tôi rửa mặt cho con thì thấy chất lỏng chảy ra từ mũi con, nó không giống máu mà lại có mùi rất khó chịu. Con bé nói với tôi rằng nó rất đau đớn và cảm giác khó chịu như có cục đá ở trong mũi. Tôi lập tức đưa Scarlett đến bệnh viện vì nghi ngờ có dị vật trong mũi con bé và chỉ bác sĩ mới giúp được".
Các bác sĩ tiến hành chụp X-quang và sốc khi nhìn thấy một cục pin kim loại nhỏ hình tròn đang mắc kẹt trong mũi của bé gái. Họ phải lập tức làm phẫu thuật để loại bỏ dị vật.
Ngay khi bác sĩ vừa lấy viên pin ra, chị Tony mới ngã ngửa người khi phát hiện ra "nguồn gốc của nó". Đó chính là viên pin trong món đồ chơi Halloween mà cô đã mua cho con gái từ 1 tuần trước. Chị cho rằng cục pin đã ở trong mũi con gái ít nhất 4 ngày trước khi được bác sĩ lấy ra.
Chị cho biết thêm: "Đây là điều mà tôi chưa từng nghĩ sẽ xảy ra. Nhưng trẻ em rất tò mò, chúng có thể rơi vào mọi tình huống. Tôi nghĩ rằng tất cả các bậc cha mẹ nên cẩn thận khi cho con cái chơi bất kỳ đồ chơi nào, hoặc các vật có các bộ phận nhỏ và pin bên trong. Tai nạn này có thể tồi tệ hơn nhiều nếu không được phát hiện kịp thời".
Nếu không được đưa đến bệnh viện sớm, nhiều khả năng bé Scarlett Chavez sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm hơn nhiều.
Dấu hiệu nào để bố mẹ phát hiện ra trẻ có dị vật trong mũi?
Có rất nhiều trẻ sau khi nhét vật lạ vào mũi, tai rồi quên mất và không nhận ra sự bất thường. Vì vậy, khi thấy trẻ có những biểu hiện sau đây, bố mẹ hãy kiểm tra xem có vật gì bất thường trong tai, mũi bé hay không.
Nếu có vật lạ trong mũi, bé sẽ bị chảy nước mũi ở một bên, hoặc bị hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi và hơi thở có âm thanh khác thường. Điều này khác hoàn toàn với việc bé bị cảm lạnh bởi khi bị cảm lạnh thì thông thường (chảy nước mũi cả hai bên).
Sau vài ngày sau mà dị vật vẫn chưa được bố mẹ phát hiện ra thì mũi bé có thể sẽ bị sưng lên, viêm tấy, có mùi tanh, thậm chí có mủ. Nặng hơn, trẻ sẽ bị sốt, đau đầu… thậm chí là chảy máu mũi.
Làm thế nào để xử lý vật lạ rơi vào tai, mũi con?
Việc đầu tiên bạn cần làm khi phát hiện có vật thể lạ trong tai hoặc mũi con là giữ tâm lý bình tĩnh và cố gắng trấn an con. Đừng quát nạt làm trẻ khóc, như vậy sẽ vô tình khiến trẻ sẽ hít sâu hơn, tạo điều kiện cho vật lạ tiến vào sâu hơn trong mũi.
Nếu cha mẹ nhìn thấy dị vật trong tai, mũi bé thì có thể xử lý nhanh tại nhà. Nếu dị vật nằm sâu bên trong và bố mẹ không thể thấy rõ dị vật thì cách tốt nhất là đưa bé đến bác sĩ sớm nhất có thể để lấy dị vật ra bằng các dụng cụ chuyên môn, tuyệt đối không cố lấy dị vật ra khỏi tai, mũi bé. Nếu bạn cứ cố gắng lấy dị vật ra khỏi tai, mũi bé mà không thành công có thể khiến dị vật chui vào sâu hơn, khiến bé rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Bố mẹ cần lưu ý rằng sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ và các dụng cụ y tế là cực kỳ quan trọng. Ví dụ khi một hạt đậu bị mắc kẹt lâu, nó có thể sẽ nở to hơn và khó lấy ra hơn. Một số dị vật khác còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho bé như pin, hay dị vật kim loại.