Có nên đóng kín cửa nhà “nhốt” trẻ để tránh gió lạnh?

Chăm sóc con 22/12/2022 10:10

Nhiều người thường có thói quen đóng kín cửa để tránh không khí lạnh tràn vào trong nhà, tuy nhiên bác sĩ cho rằng đây chính là việc làm gây hại cho sức khỏe.

Có nên đóng kín cửa nhà “nhốt” trẻ để tránh gió lạnh? - Ảnh 1

Giữ ấm cho trẻ những ngày không khí lạnh tràn về cực kỳ quan trọng (Ảnh minh họa)

Không khí lạnh tràn về, nhiều tỉnh, thành miền Bắc rét đậm, rét hại khiến không ít trẻ nhỏ, người già nhập viện do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt là virus.

Vào mùa lạnh, chúng sống lâu trong môi trường. Nhất là khi đóng kín cửa, môi trường trở nên mát và ẩm hơn, tạo điều kiện virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi. Đóng kín cửa phòng còn dẫn đến không khí ngột ngạt, thiếu oxy, mọi người mệt mỏi.

Ngoài ra, ở trong phòng điều hòa hoặc dùng máy sưởi cả ngày, trẻ khó thở, dễ bị sốc nhiệt khi ra ngoài do chênh lệch nhiệt độ.

Theo các bác sĩ Dũng, phòng điều hòa có lượng oxy chỉ bằng 1/3 so với phòng mở cửa. Lúc này, không khí khó lưu thông làm cho vi khuẩn dễ bám trên bề mặt da hoặc niêm mạc đường hô hấp, tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhiều gia đình không vệ sinh điều hòa thường xuyên dẫn đến bám bụi, nấm mốc gây bệnh cho hệ thống hô hấp của người sử dụng.

Đặc biệt, ở chung phòng điều hòa với một người đang mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Lạm dụng máy sưởi, trẻ mắc bệnh về da như khô, nẻ...

Có nên đóng kín cửa nhà “nhốt” trẻ để tránh gió lạnh? - Ảnh 2

Cha mẹ tuyệt đối không được đóng kín cửa phòng (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Phí Xuân Thi, Khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khuyến cáo, gia đình không nhất thiết giữ trẻ trong phòng kín hay đóng cửa 24/24 vì sợ các em nhiễm lạnh.

Trẻ cần được ra ngoài phơi nắng hoặc vận động để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết, tăng sức đề kháng. Thời điểm lý tưởng cho trẻ ra ngoài là 9-10h hoặc 15-17h. Lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng không quá kín, dễ khiến trẻ ra mồ hôi lưng, ngực, ngấm ngược lại cơ thể gây cảm lạnh, viêm phổi.

Hạn chế cho các em tới nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh, tránh xa nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá... Khi ở trong nhà, bố mẹ nên để đầu bé thông thoáng, không cần đội mũ.

Bố mẹ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, "không vì trời lạnh mà không tắm rửa cho bé". Khi tắm cần chú ý đóng kín cửa, tránh đặt chậu tắm ở nơi có gió lùa. Nếu nhà dùng điều hòa hoặc quạt sưởi thì nên bật trước đó khoảng 15 phút cho nhiệt độ ấm lên.

Duy trì nhiệt độ phòng 25-28 độ C, thoáng nhưng tránh gió lùa. Có thể sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi, tuyệt đối không dùng bếp than vì khí CO2 có thể gây độc, ngạt.

Cúm B ở trẻ em với diễn biến nặng bất thường: Bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Trẻ 8 tuổi mắc cúm B, sau 3 ngày không khỏi đã lên cơn co giật, khi vào viện cấp cứu được chẩn đoán hôn mê sâu, viêm não - màng não, cúm B, viêm phổi kèm theo tình trạng rối loạn đông máu.

TIN MỚI NHẤT