Nhiều người cho rằng con mình sinh ra đã kén ăn, song không phải không có cách khắc phục. Đôi khi thói kén ăn của trẻ hình thành là do sai lầm của cha mẹ.
- Bố mẹ nuôi con nhỏ phải "nằm lòng" những loại bệnh trẻ em thường mắc phải dưới đây
- Bị ép ăn vỏ tôm để có canxi bé trai 3 tuổi bị rách thực quản
Các mẹ có con tầm 2-3 tuổi chắc sẽ thấu hiểu hơn ai hết cảm giác bất lực mà không thể làm gì được khi con kén ăn. Mẹ thì lo con không đủ chất, dỗ dành có, dọa nạt có mà con thì nhất quyết không chịu ăn. Chia sẻ nỗi niềm này của các bậc cha mẹ, các chuyên gia trị liệu nhi khoa tiết lộ 5 tuyệt chiêu giúp mỗi bữa ăn không còn là trận chiến.
1. Cho trẻ tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm từ sớm
Trẻ ít được tiếp xúc với các hương vị và dạng thức ăn trong năm đầu đời có thể khiến trẻ hình thành thói kén ăn. Nếu trẻ được cho ăn đồ nghiền nhỏ hoặc ninh nhừ quá lâu, các bé sẽ không chịu thử các loại thức ăn cứng hoặc có mùi vị khác biệt.
Trong năm đầu đời, trẻ cần được tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm với hương vị và chất liệu đa dạng để bé có thể dễ dàng chấp nhận và yêu thích thức ăn khi lớn lên. Về chất liệu, ba mẹ có thể cho bé thử thức ăn thái nhỏ, đồ ăn nghiền, đồ nấu mềm vừa tới, đồ ăn rắn nhưng có thể mềm ra khi ngậm trong miệng, đồ ăn giòn, đồ dai. Các loại hương vị ba mẹ có thể cho bé làm quen là cay, ngọt, nhạt, chua, mặn, ngậy... Nếu bé được tập làm quen với các loại thức ăn đa dạng từ sớm thì sẽ giúp hình thành phản xạ hỗ trợ nhai nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
2. Quan tâm đến cảm giác khi ăn các loại thực phẩm
Nhiều người không thích cảm giác một số loại thực phẩm nhất định, ví dụ như đồ chua cay, hay thậm chí là các quả mọng. Tương tự như vậy, một số trẻ thấy một số thực phẩm khó ăn hơn những đồ khác do mức độ nhạy cảm với mùi vị và chất liệu của mỗi trẻ là khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra mùi vị thực phẩm có liên hệ mật thiết đến khả năng tiếp nhận thực phẩm, tức là nếu trẻ thích mùi của đồ ăn thì khả năng trẻ muốn nếm thử sẽ tăng lên.
Do vậy, cha mẹ đừng ngần ngại mà hãy cho bé thử nghịch các loại gia vị trong nhà bếp, mở nắp từng loại cho bé thử để xem bé thích mùi nào.
3. Không để trẻ vì sợ mà không dám ăn
Nếu bạn có con nhỏ thì chắc bạn cũng biết là trẻ con không thích bất ngờ. Với thức ăn, các con muốn mường tượng được ra thức ăn có vị ra sao và cảm giác như thế nào khi đưa vào trong miệng. Vậy nên đừng vội cho rằng con không thích đồ bạn nấu, mà hãy cân nhắc khả năng là con chỉ đang sợ vì chưa biết mình sắp ăn cái gì mà thôi.
Hãy thử miêu tả cho con biết mùi vị và cảm giác của món ăn trước khi bắt con ăn thử. Con sẽ muốn thử đồ ăn hơn khi con hiểu rõ và không còn sợ hãi món mình chưa biết.
4. Để ý cách ba mẹ ăn uống
Thái độ của cha mẹ hay ông bà, những người trực tiếp chăm sóc trẻ với thức ăn có mối liên hệ mật thiết đến thói quen ăn uống của trẻ. Nếu ba mẹ thoải mái và vui vẻ khi ăn uống thì các con cũng sẽ noi gương như vậy. Ngược lại, nếu ba mẹ mệt mỏi, chán ăn, kiêng khem hay kén chọn thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ phản ứng với đồ ăn của trẻ. Vậy nên hãy cố gắng để giờ cơm luôn thật vui vẻ và thoải mái.
5. Hạn chế cho trẻ ăn vặt
Những bé hay ăn vặt bim bim, bánh kẹo, nước ngọt trước giờ cơm thì đương nhiên sẽ không còn muốn ăn cơm khi đến bữa nữa bởi đã lửng bụng rồi. Vì vậy, hãy thay những đồ ăn vặt này bằng rau xanh, hoa quả. Cho bé ăn nhiều đồ chế biến sẵn sẽ khiến bé quen với hương vị của những thực phẩm có hại cho sức khỏe chứa rất nhiều đường và muối, dần dần không muốn ăn đồ tốt cho sức khỏe như rau củ quả nữa. Ngoài ra không nên cho bé uống nước hoa quả trước khi ăn vì chứa nhiều đường gây chóng no và không thấy thèm ăn. Nếu bé khát thì chỉ nên cho uống nước lọc mà thôi.